Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/07 năm 2024 Chủ đề: “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”

Ngày Dân số Thế giới là một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Đây cũng là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khoẻ, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.

Vào năm 1994 tại Cairo, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo năm 1994, tại Hội nghị lần thứ 57 của Ủy ban LHQ về Dân số và Phát triển, Thứ trưởng Trần Duy Đông (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) nêu rõ: Việt Nam cam kết “Tạo và tích hợp dữ liệu dân số có chất lượng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia và địa phương nhằm đạt được sự phát triển bền vững nhằm đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Dành sự ưu tiên cao các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật và những người bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp về nhân đạo. Đảm bảo rằng thanh thiếu niên có quyền tiếp cận thông tin và dịch vụ phù hợp với lứa tuổi, bao gồm giáo dục giới tính toàn diện với trọng tâm là hỗ trợ thanh thiếu niên và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương. Chấm dứt tảo hôn, bạo lực tình dục và giới tính, lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở giới tính và mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số; và cuối cùng, tận dụng tốt nhất các cơ hội của lợi tức dân số và ứng phó cũng như chuẩn bị một cách hiệu quả cho quá trình già hóa dân số của Việt Nam, có tính đến đầy đủ các phân tích nhân khẩu học và biến động dân số”

Nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, chào mừng ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Việt Nam cũng đang chủ động ứng phó với các vấn đề mới nổi như già hóa dân số, tận dụng cơ hội có đông lực lượng thanh niên nhất từ ​​trước đến nay, cũng như ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu mà nhiều người trong chúng ta phải đối mặt, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu quốc gia về Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển.

Trải qua 63 năm, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015, cuối năm 2023 là 23,9%. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015) và 2023 chiếm khoảng 67,5%.

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2023). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.

Có thể nói, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Nhiều chương trình, đề án phục vụ công tác này được Chính phủ phê duyệt đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác dân số và phát triển. Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong những năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực, quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.

return to top