PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương) chia sẻ với Zing nhiều điểm đáng chú ý trong văn kiện trình Đại hội XIII.
Theo ông, chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo trong báo cáo chính trị lần này đều có rất nhiều điểm mới trong đó nhấn mạnh lòng yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Các nội dung này đang được tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện.
- Thưa ông, trong cuộc họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải sửa đổi, bổ sung dự thảo văn kiện Đại hội dưới tác động của đại dịch Covid-19. Vậy trước đó, vấn đề về ảnh hưởng của đại dịch được đề cập thế nào trong văn kiện?
- Sau Hội nghị Trung ương 11, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới và ở cả Việt Nam, gây tác động rất lớn. Văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng không thể không cập nhật tình hình này.
Các văn kiện trình Đại hội XIII phải đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng khá cao nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 1,8% - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
|
Dù tăng trưởng dương so với thế giới, đây vẫn là mức thấp, nó không chỉ kéo bình quân tăng trưởng của năm mà còn ảnh hưởng trong thời gian tới. Vì vậy, tất cả báo cáo trình Đại hội phải đánh giá tác động của đại dịch với tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Đặc biệt, các báo cáo phải dự báo cho phát triển của 5-10 năm tới và xa hơn, vì đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, gây ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế trầm trọng.
Trước đây, chúng ta dự báo bình quân tăng trưởng 5 năm đạt khoảng 6,8%, nhưng theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, dự báo tốc độ tăng trưởng của nhiệm kỳ này còn 6%.
Trong các buổi góp ý, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi duyệt văn kiện đại hội đảng bộ cấp tỉnh đều yêu cầu phải đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 trong việc thực hiện nghị quyết của đảng bộ nhiệm kỳ này và cập nhật dự báo tác động của dịch cho những năm tới để điều chỉnh các chỉ tiêu.
Văn kiện cũng cần nêu rõ cách ứng phó của Việt Nam trong đại dịch để cho thấy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, của hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân.
- Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về nội hàm các đột phá chiến lược trong tình hình mới, đặc biệt là vai trò của khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, từ đó có sự bổ sung cần thiết. Nội hàm về các đột phá chiến lược được Văn kiện Đại hội đề cập thế nào?
- Trong các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, báo cáo chính trị trình 6 nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược; báo cáo kinh tế - xã hội cũng đề cập các đột phá chiến lược, nhưng mỗi báo cáo có cách tiếp cận riêng.
Những đột phá chiến lược đề ra từ Đại hội XI, XII còn nguyên giá trị, nhưng nay cần cụ thể cho phù hợp với giai đoạn 5 năm tới.
Qua tác động và ứng phó với đại dịch, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về các đột phá. Trong đó đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên cơ sở đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, phát triển mạnh khoa học công nghệ.
Đại dịch Covid-19 càng cho thấy điều đó là cần thiết. Ví dụ để chuyển từ phương thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến, chúng ta cần có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phủ sóng. Hay phải đẩy mạnh sản xuất thiết bị phòng chống dịch như máy thở, vaccine, đẩy mạnh phát triển công nghiệp y tế…
Vai trò của khoa học công nghệ lần này được nhấn rất đậm trong dự thảo các văn kiện. Đó là xu thế tất yếu khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới phát triển mạnh mẽ và nhân loại đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu văn kiện của Đảng không nhấn mạnh vấn đề chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chúng ta sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn nữa.
Ngoài ra, tư tưởng chủ đạo của Đại hội XIII còn nhấn mạnh điểm mới về khát vọng phát triển.
- Văn kiện Đại hội XIII đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Ông có thể thể chia sẻ những khó khăn khi đặt kế hoạch trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến khó lường như hiện nay?
- Điều này không có gì quá khó khăn hay áp lực, vì trong lịch sử Đảng ta đã có những lần đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho dài hạn, đây không phải lần đầu tiên.
Ví dụ Đại hội VIII năm 1996, Đảng đã đề ra mục tiêu đến 2020 - tức là tầm nhìn cho 24 năm sau. Đại hội XI sau khi thông qua Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN, chúng ta đề ra mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI. Các nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị gần đây cũng xác định mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI và đều đưa ra dự báo.
Lần này có khác biệt vì mục tiêu dài hạn được xác định vào những thời điểm, dấu mốc có ý nghĩa lịch sử.
|
Mục tiêu 10 năm cho đến 2030 - Chiến lược phát triển kinh tế xã hội lần thứ tư, ghi dấu mốc là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tầm nhìn đến 2045 là dấu mốc 100 năm thành lập nước. Như vậy, mục tiêu đã xác định ở Cương lĩnh 2011, lần này chỉ cụ thể hóa và phát triển lên chứ không có gì quá xa.
Trong lịch sử, các dự báo về tình hình khu vực, thế giới; dự báo thời cơ, thách thức mà xu thế thời đại mang lại; đồng thời nhận thức tiềm năng, lợi thế của Việt Nam… đều cơ bản đúng, nhưng cũng có dự báo chưa sát.
Chúng ta luôn dựa trên căn cứ về số liệu, nhận định tình hình sẽ đem lại thuận lợi, khó khăn gì. Nhưng chắc chắn có những dự báo ta không đạt được.
Ví dụ trong nhiệm kỳ này, chúng ta phấn đấu tăng trưởng 6,5-7% nhưng trên thực tế chỉ là 6%. Giữa mục tiêu và kết quả đạt được không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau. Có thời kỳ chúng ta vượt mục tiêu đề ra nhưng cũng có lúc không đạt được.
Sâu xa hơn, đề ra mục tiêu dựa trên cơ sở tính khả thi nhưng cũng hàm ý để chúng ta phấn đấu đạt mức cao hơn, còn kết quả thực hiện đến đâu phụ thuộc vào tình hình thực tiễn. Nhưng việc xác định mục tiêu càng phù hợp thì kết quả thực tiễn càng sát thực.
- Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII vẫn đang được lấy ý kiến để hoàn thiện. Nhưng đến nay, ông thấy nổi lên những điểm mới gì mang tính đột phá?
- Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm của Đại hội, có rất nhiều điểm mới. Điểm mới đầu tiên thể hiện ở chủ đề Đại hội.
Chủ đề Đại hội XIII cũng có 5 thành tố như chủ đề Đại hội XII nhưng chỉ có một thành tố giữ nguyên là thành tố về “bảo vệ Tổ quốc”, còn 4 thành tố đều có sự phát triển.
Thứ nhất về Đảng. Đại hội XII xác định “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, còn Đại hội XIII xác định “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, lần này không chỉ đặt vấn đề xây dựng Đảng mà còn xây dựng cả hệ thống chính trị, không chỉ xây dựng mà còn chỉnh đốn Đảng.
Thứ hai là về dân tộc. Đại hội XII xác định “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, lần này, văn kiện trình Đại hội XIII xác định “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Như vậy, yếu tố sáng tạo và mục tiêu, khát vọng phát triển đã được nhấn mạnh.
Thứ ba, trước đây là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, lần này là “đổi mới sáng tạo”.
Thứ tư, về mục tiêu, Đại hội XII chỉ xác định mục tiêu cho 5 năm, lần này chúng ta xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI (năm 2045), khi đó, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Chủ đề Đại hội với nhiều điểm mới như vậy thể hiện ý chí, khát vọng phát triển rất mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ mới.
Một điểm mới nữa là lần này đưa ra một nhận định tổng quát “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây là đánh giá đã được đưa vào dự thảo, các cấp đang thảo luận.
Nếu như toàn Đảng, toàn dân nhất trí với nhận định này, đưa câu nói ấy thành một câu chính thức trong văn kiện thì nó sẽ ý nghĩa, tác động rất lớn để mọi người Việt Nam biết ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới, từ đó có động lực đi lên. Đó là dấu ấn ta khẳng định với cả thế giới.
|
- Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trong nhiệm kỳ tiếp theo. Lần này, quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo Chính trị được đổi mới như thế nào, thưa ông?
- 5 quan điểm chỉ đạo đề ra trong Báo cáo chính trị lần này cũng có nhiều điểm mới.
Quan điểm đầu tiên nói về nguyên tắc chung, hồn cốt là: Kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và XHCN; kiên định đường lối đổi mới.
Quan điểm chỉ đạo thứ hai nói đến đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới. Trong đó dự thảo văn kiện nhấn mạnh “phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Nói gọn lại, kinh tế - xã hội, Đảng, văn hóa và quốc phòng an ninh được xác định là 4 trụ cột phát triển đất nước.
|
Quan điểm thứ ba nhấn mạnh phải tạo ra những động lực phát triển, như lòng yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Quan điểm thứ tư chỉ đạo về tạo nguồn lực phát triển bằng cả sức mạnh trong nước và thời đại, trong đó, sức mạnh nội tại mang ý nghĩa quyết định. Đảng xác định ta phải bước đi trên đôi chân của ta.
Quan điểm chỉ đạo thứ năm về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Hệ thống gồm 5 quan điểm này gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo ra định hướng chỉ đạo phát triển đất nước trong những năm tới.
Mục tiêu lần này cũng có điểm mới mang tính đột phá. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, ta tiếp cận mục tiêu theo trình độ phát triển, theo thu nhập. Còn lần này dự thảo văn kiện nêu ra hai phương án, nhưng đến nay chỉ chọn một phương án, đó là đề ra mục tiêu cụ thể đến 2025, Việt Nam là một nước đang phát triển, vượt qua mức trung bình thấp; đến 2030 là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao; và đến 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.
Ngoài ra, về định hướng phát triển các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh quốc phòng đều có điểm mới so với các đại hội trước.
Hội nghị Trung ương 13 sẽ cho ý kiến một bước nữa về dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, sau đó lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, rồi xin ý kiến toàn dân. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện văn kiện và các nội dung quan trọng của văn kiện để trình Đại hội XIII, diễn ra vào năm 2021.