(WEBSITEGOVAP) - Chiều 18.10, sau khi xem xét các yếu tố liên quan và đề nghị của Sở Y tế, UBND Thành phố đã quyết định công bố dịch bệnh do vi rút Zika quy mô cấp xã, phường tại 2 địa phương gồm Phường Hiệp Thành - Quận 12 và Phường An Phú - Quận 2.Trước đó, ngày 15.10 Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 2 ca mới nhiễm virus Zika tại 2 Phường này, nâng tổng số ca nhiễm vi rút Zika trên địa bàn Thành phố lên 4 ca. |
Virus Zika trong quần thể muỗi vằn tự nhiên
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Zika trên địa bàn, vào ngày 14.10, UBND Thành phố cũng đã công bố dịch bệnh do vi rút Zika quy mô xã, phường tại Phường Phước Long B - Quận 9. Cùng với công bố dịch, UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các Quận - Huyện có trách nhiệm phối hợp với các Sở - Ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngay trong chiều 18.10, đồng chí Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã có buổi làm việc với Quận 2 - địa phương có 2 ca nhiễm vi rút Zika cho đến thời điểm này. Tại buổi làm việc, đồng chí yêu cầu Quận 2 rà soát lại các dự án xây dựng chưa được triển khai trên địa bàn, sàng lọc các điểm nguy cơ phát sinh muỗi, đồng thời huy động lực lượng thanh niên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn trong các ngày Chủ nhật. Đồng chí cũng lưu ý vai trò của người dân rất quan trọng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết và vi rút Zika, điều quan trọng nhất là phải làm sao để người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và khu vực xung quanh. Phải truyền thông làm sao để thay đổi được nhận thức của người dân chứ không phải là phát được bao nhiêu tờ rơi, tổ chức được bao nhiêu buổi tuyên truyền... UBND Thành phố yêu cầu 24 Quận - Huyện phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn, tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư, hộ gia đình, không để phát sinh các ổ dịch bệnh mới.
Để ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika, ngoài hệ thống giám sát dịch bệnh tại 30 bệnh viện, Sở Y tế Thành phố cũng thực hiện lấy mẫu tầm soát vi rút Zika tại các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư, đồng thời phối hợp với các nhà thuốc tư nhân thực hiện tư vấn cho người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ. Một trong những thói quen của người dân khi mắc bệnh là đến các nhà thuốc trước khi đến bệnh viện. Vì thế, thông qua kênh thông tin của các nhà thuốc có thể tầm soát phát hiện vi rút Zika ở quy mô rộng hơn.
NGUYỄN LÊ (Nguồn TTXVN)
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ DỊCH BỆNH DO VIRÚT ZIKA Bệnh do virus ZIKA là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền (muỗi Aedes - loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Virus Zika thuộc họ Arbovirus, nhóm Flavivididae, cùng nhóm với các vi rút sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, Chikungunya, sốt vàng và sốt Tây sông Nile. virus Zika được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947 từ khỉ Rhesus tại rừng rậm Zika ở Uganda. Trường hợp bệnh đầu tiên trên người ghi nhận tại Uganda và Tanzania năm 1952. Vụ dịch đầu tiên xảy ra vào năm 2007 tại đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp bệnh trong vòng 13 tuần.Tháng 10/2013 vụ dịch lớn xảy ra tại Pháp với khoảng 10.000 trường hợp bệnh ghi nhận trọng đó có 70 ca nặng với biến chứng thần kinh (H/c Guilain-Barre, viêm màng não) không có tử vong. Năm 2015 các vụ dịch lan rộng tại khu vực Nam Mỹ tại Brazil và Colombia vào tháng 5/2015. Tính đến nay đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, virus ZIKA sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ tại những nơi có lưu hành muỗi Aedes. Hiện nước ta chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virút này, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập virus ZIKA là hoàn toàn có thể do Việt Nam lưu hành loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết đồng thời sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Mặc dù bệnh nhân nhiễm virus ZIKA chủ yếu là do bị muỗi đốt, nhưng cũng đã có báo cáo về một trường hợp mắc bệnh do truyền máu có nhiễm virus và một trường hợp do quan hệ tình dục - virus được tìm thấy trong tinh dịch. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế gây ảnh hưởng đến não của virus ZIKA. Giả thuyết ZIKA gây ra bệnh đầu nhỏ với biểu hiện là đầu nhỏ hơn bình thường và não bị tổn thương đã nổi lên vào tháng 10 năm ngoái, khi các bác sỹ ở Brazil phát hiện số lượng trẻ em mắc bệnh này tăng bất thường. Con số trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ từ khi dịch ZIKA bùng phát tại Brazil cũng chưa rõ ràng. Mỗi năm có khoảng 3 triệu em bé được sinh ra ở Brazil, và có khoảng 150 trẻ bị bệnh đầu nhỏ. Chính phủ Brazil cho biết hiện nước này đang có hơn 4000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc hội chứng đầu nhỏ (não bé bất thường). Những người không có biểu hiện triệu chứng cũng có thể đã nhiễm virus, trong đó cứ 5 người nhiễm virus thì chỉ có một người có biểu hiện triệu chứng, bao gồm sốt, phát ban, đau khớp và viêm kết mạc. Những người nhiễm virus cũng không bị nặng đến mức phải nhập viện. Hiện vẫn chưa có xét nghiệm virus ZIKA được áp dụng rộng rãi. Do có liên quan mật thiết với sốt dengue và sốt vàng da, ZIKA có thể phản ứng chéo với các xét nghiệm kháng thể cho các bệnh nói trên. Vì vậy, để phát hiện virus ZIKA, trong một tuần đầu tiên bị lây nhiễm, mẫu máu hoặc mẫu mô của người bệnh phải được đưa đến một phòng thí nghiệm hiện đại để thực hiện các xét nghiệm phân tử tinh vi nhằm xác định kết quả. Tuy nhiên, những người có biểu hiện triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp hay đỏ mắt trong khi đang ở vùng dịch hay hai tuần sau khi trở về từ đó cần phải được xét nghiệm máu để tìm virus. Xong, kể cả những người đã được xét nghiệm máu thì kết quả cũng không hoàn toàn bảo đảm độ chính xác. Các xét nghiệm virus ZIKA chỉ chính xác trong vòng một tuần sau khi nhiễm virus. Xét nghiệm kháng thể có thể được thực hiện sau, nhưng có khả năng dẫn đến kết quả dương tính sai nếu thai phụ đã từng bị sốt dengue, sốt vàng hay tiêm vắc xin sốt vàng. Với phụ nữ có thai, khoảng thời gian virus có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi nhiều người còn chưa nhận ra mình đang mang thai. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện vẫn chưa rõ virus xâm nhập nhau thai và gây tổn thương não bộ của thai nhi như thế nào. Còn đối với trẻ sơ sinh cần được làm xét nghiệm virus ZIKA nếu người mẹ từng tới thăm hay sống tại bất cứ quốc gia nào đang trong vùng dịch. Lý do là bởi khi nhiễm virus, trẻ có thể bị suy giảm thị lực và thính lực cùng nhiều dấu hiệu bất thường khác dù không mắc tật đầu nhỏ.Những dị tật này cần được xét nghiệm và đánh giá kỹ càng hơn. Khuyến cáo này hiện đang được áp dụng cho những trẻ sơ sinh có mẹ có các biểu hiện triệu chứng của nhiễm virus - phát ban, đau khớp, đỏ mắt hay sốt - khi đang sống tại các nước có dịch hay trong vòng 2 tuần sau khi tới du lịch tại các khu vực này. Hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin đặc trị cho virus ZIKA. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo các thai phụ cần tránh tới những vùng có dịch, và những phụ nữ nghi mình đã có thai cần đi khám bác sỹ trước khi đến các khu vực nói trên. Những người tới du lịch hay công tác ở vùng có dịch cần giảm thiểu tối đa nguy cơ bị muỗi đốt bằng cách ở trong phòng lắp lưới chống muỗi hay bật điều hòa, hoặc ngủ trong màn, bôi thuốc chống côn trùng mọi lúc mọi nơi, và mặc quần dài, áo dài tay, đội mũ và đi giày kín. Để chủ động phòng chống bệnh do virus ZIKA xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: 1.Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 2. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. 3. Người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... 4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. 5.Trì hoãn truyền máu trong vòng 28 ngày nếu người cho có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus ZIKA. 6. Những người trở về từ vùng dịch cũng cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn hoặc kiêng quan hệ tình dục ít nhất 4 tuần sau khi trở về.
BBT (trích nguồn Bộ Y tế)
|