Ngày 16.8, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội nhận dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945-2016), đồng thời tăng cường các giải pháp thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2016.
Trong đợt cao điểm này, lực lượng cảnh sát giao thông toàn Thành phố sẽ huy động toàn bộ lực lượng để cùng phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải Thành phố), Thanh niên xung phong, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh… thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tuần tra kiểm soát công khai liên tục 24/24; thông qua công tác điều tra cơ bản, mỗi cảnh sát nêu cao trách nhiệm trong việc quán xuyến tốt tuyến, địa bàn đảm trách. Đồng thời, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông, bảo đảm tốt tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội về đêm và nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép và chạy xe gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần duy trì thực hiện hiệu quả chế độ thông tin liên lạc, kịp thời giải quyết các tình huống dẫn đến ùn tắc giao thông tại các giao lộ, địa điểm, khu vực tổ chức lễ hội... Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị sẽ chủ động xây dựng phương án tối ưu tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ, các hành vi vi phạm của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Đặc biệt, kiểm tra, xử lý có trọng tâm và có chiều sâu các hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy và người đi trên xe mô tô, xe gắn máy, nhất là hành vi sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn qui định. Ngoài ra, vào khung giờ từ 18h đến 22h hàng ngày, các đơn vị triển khai thực hiện trật tự kiểm soát khép kín có kết hợp hóa trang tập trung, xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn tại các khu vực tập trung đông các hàng quán, nhà hàng có kinh doanh thức uống có cồn vào các khung giờ trong ngày. Căn cứ tình hình thực tế đơn vị và tình trạng vi phạm về nồng độ cồn, các đơn vị sẽ bố trí thêm các Tổ xử lý chuyên đề nồng độ cồn vào khung giờ từ 11h đến 14h hàng ngày. Trong đợt cao điểm này, PC67 triển khai rầm rộ và quy mô hơn, tức là nhiều đội hình hơn, nhiều tuyến đường hơn, tăng thời lượng nhiều đối với các tổ công tác hơn và tập trung vào hành vi điều khiển phương tiện có uống rượu bia. PC67 mong rằng người dân Thành phố sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn đối với bản thân mình và những người tham gia giao thông khác để giao thông Thành phố an toàn thông suốt hơn.
Các mức phạt theo lượng bia rượu đã uống
Mời bạn đọc tham khảo bảng tra cứu dưới đây để có thể lái xe an toàn và đúng luật. Căn cứ để xác định mức độ vi phạm được đo bằng nồng độ cồn trong máu hoặc nồng độ trong hơi thở.
Theo quy định:
- Vi phạm mức 1 khi nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.
- Vi phạm mức 2 khi nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.
- Vi phạm mức 3 khi vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1 lít khí thở.
Với cùng một lượng bia rượu uống vào, những người có hình thể lớn sẽ có nồng độ cồn thấp hơn, khó bị vi phạm hơn. Và sau khi ngồi nghỉ một khoảng thời gian, những người có sức khỏe tốt cũng giải phóng được lượng cồn trong máu nhiều hơn người bình thường. Các nhà khoa học đã tính toán được một cách tương đối giữa lượng bia rượu uống vào và nồng độ cồn trong máu đối với từng cân nặng như sau:
Cách sử dụng bảng trên như sau: mỗi một lượt uống được tính bằng đơn vị chuẩn là một chén rượu mạnh 40 độ hoặc một lon bia dung tích 330 ml, nồng độ 4,5%. Ví dụ: một người đàn ông nặng 64 kg sau khi uống liên tục 2 chén rượu hoặc 2 lon bia sẽ có nồng độ cồn là 50 mg/100 ml máu. Nếu người này sử dụng ô tô để ra về sẽ vi phạm ở mức 2, chịu phạt tiền 7-8 triệu, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Để không phạm luật, nồng độ cồn trong máu phải về mức không. Cứ 40 phút lượng cồn lại giảm đi 10 mg nên phải sau 200 phút (3 tiếng 20 phút) người này mới có thể lái ô tô bình thường. Còn nếu sử dụng xe máy, chỉ cần đợi cho nồng độ dưới 50 mg/100 ml là đã được quyền điều khiển xe. Cũng theo bảng trên, những người có cân nặng khoảng 45 kg uống 2 lon bia chịu mức phạt lên tới 17 triệu đồng là hoàn toàn có cơ sở.
Có thể thấy, pháp luật yêu cầu điều kiện được lái xe ô tô rất nghiêm khắc (hoàn toàn không có cồn trong máu). Vì vậy nếu muốn ra ngoài uống bia rượu, hãy cân nhắc lựa chọn phương tiện, thời gian cho phù hợp.
(Nguồn: Báo Giao thông)