(Theo Website Tuyengiao.vn): Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tại Công văn số 10845-CV/VPTW ngày 29/10/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng) về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2020; Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn số 115-HD/BTGTW, ngày 08/1/2020 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2020; nay hướng dẫn chi tiết công tác tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước; tôn vinh và tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân Nam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần cách mạng của Nam Kỳ khởi nghĩa đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
3. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần thiết thực, hiệu quả, phù hợp, gắn với các hoạt động tuyên truyền chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp, các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; tạo nên không khí thi đua, phấn khởi hướng về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
- Bối cảnh, diễn biến, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940; sức mạnh quật khởi, tinh thần anh dũng, sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam Bộ nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng; khẳng định chủ trương của Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta, nhất là các tỉnh Nam Bộ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
- Những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố vùng đất Nam Bộ; biểu dương tập thể, cá nhân tiểu biểu, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Các hoạt động kỷ niệm diễn ra ở các ban, bộ, ngành, địa phương; các phong trào thi đua yêu nước tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị được giao chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm
1.1. Thành phố Hồ Chí Minh
- Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm cấp tỉnh, thành phố tại thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Thành phố đọc Diễn văn kỷ niệm, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.
- Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia.
- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trên báo chí, phương tiện cổ động trực quan và các hoạt động khác, như: Chỉnh trang, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử; thăm hỏi, tri ân các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng,...
1.2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia; lưu ý chuẩn bị tốt các bài phát biểu khai mạc, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội thảo.
1.3. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền kỷ niệm, biên soạn và phát hành đề cương tuyên truyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm; theo dõi, kiểm tra các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, báo cáo Ban Bí thư.
2. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương
2.1. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, nhất là các tỉnh ở Nam Bộ có gắn với sự kiện lịch sử, căn cứ vào tình hình cụ thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm gắn với kỷ niệm năm tròn Ngày thành lập, Ngày giải phóng, Ngày truyền thống của tỉnh, thành phố và các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động; lưu ý tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là trên báo chí.
2.2. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quản lý chặt chẽ các ấn phẩm thông tin, truyền thông về khởi nghĩa Nam Kỳ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, về lịch sử vẻ vang của Đảng.
2.3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chức năng, nhất là các đơn vị bảo tàng, thư viện, các Hội Văn học - Nghệ thuật thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm; chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền cổ động trực quan gắn với chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao trên toàn quốc nhất là tại các địa phương có gắn với sự kiện lịch sử.
3. Các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí thời lượng, chương trình phù hợp trong dịp kỷ niệm.
4. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội
- Tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp trên địa bàn.
- Biên tập, đưa nội dung tuyên truyền về sự kiện vào nội dung Bản tin sinh hoạt chi bộ hoặc Thông tin công tác tuyên giáo của ngành, đoàn thể, địa phương.
Ban Tuyên giáo Trung ương