Hòa trong khí thế cả nước và Thành phố tích cực chuẩn bị cho đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Hệ thống bộ máy, cán bộ làm công tác Dân tộc Thành phố thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc cùng ôn lại chặng đường rất vẻ vang của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, đồng thời thể hiện sự quyết tâm thực hiện tốt Chiến lược về công tác dân tộc trong giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 03/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nội vụ. Tiếp đó, ngày 09/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên của chính quyền cách mạng về công tác dân tộc. Trải qua các thời kỳ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ đó: Từ năm 1946 có tên là Nha Dân tộc thiểu số, từ năm 1959 có tên gọi Ủy ban Dân tộc, từ năm 1992 có tên gọi Ủy ban Dân tộc và Miền núi, từ năm 2002 đến nay có tên gọi Ủy ban Dân tộc. Để khẳng định sự quan tâm của Đảng, nhà nước với công tác dân tộc, ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1491/QĐ- TTg lấy ngày 3/5 hàng năm là Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Hằng năm, đến ngày này, cán bộ, công chức cơ quan nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc lại có dịp cùng nhau ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành, phát huy những truyền thống quý báu, khẳng định niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở Miền Nam, cơ quan công tác Dân tộc được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã quyết định thành lập Trung ương cục Miền Nam, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Nam Bộ. Theo đó, 2 các cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương cục được hình thành, trong đó có Ban Hoa vận Trung ương cục Miền Nam. Năm 1967, để đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng lúc bấy giờ, Đảng ủy kiêm Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trực thuộc Đặc Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được thành lập để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc dấy lên phong trào đấu tranh rộng khắp. Sau ngày Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Ban Hoa vận Đặc khu (sau đó gọi là Ban Hoa vận Thành ủy) được tổ chức lại thành Tiểu ban Hoa vận thuộc Ban Dân vận Thành ủy. Đến năm 1988, với đặc điểm của Thành phố có đông đồng bào Hoa sinh sống cũng như thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và Chính quyền thành phố đối với công tác dân tộc Hoa, ngày 03/8/1988 Thành ủy đã ra quyết định số 411/QĐNS-TU thành lập cơ quan Ban Công tác người Hoa Thành phố; Ngày 17/9/1988 Ủy ban nhân dân Thành phố đã có quyết định số 178/QĐ-UB thành lập Ban Công tác người Hoa Thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố với 2 chức năng: vừa là cơ quan tham mưu cho Thành ủy về công tác người Hoa; vừa là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đến năm 2012, xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm hiện nay về công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, Nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 8/11/1995 của Ban Bí thư (khóa VII) về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới; thực hiện Nghị Định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Ban Thường vụ Thành ủy có Kết luận số 39- KL/TU thống nhất thành lập Ban Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban Công tác người Hoa và bộ phận quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Ban Tôn giáo và Dân tộc thuộc Sở Nội vụ. Ngày 01 tháng 3 năm 2012 tại kỳ họp lần thứ tư Hội đồng nhân dân Thành phố ra Nghị quyết thành lập tổ chức làm công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, ngày 16/3/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ký quyết định thành lập Ban Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố. Ban Dân tộc Thành phố được thành lập trên cơ sở kế thừa nhiệm vụ của các cơ quan công tác dân tộc trước đây, đồng thời được giao nhiều nhiệm vụ cụ thể quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây là cơ quan chuyên môn ngang Sở, thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc; đề xuất các chủ trương, biện pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc trên địa bàn Thành phố; Tổ chức thực hiện các chính sách, 3 chương trình, dự án, đề án, mô hình thí điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng.Vâng lời Bác dạy, tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy mạnh mẽ qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Đó chính là điều kiện tiên quyết để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có lớp lớp cán bộ, chiến sỹ và các giới đồng bào người Hoa dũng cảm đấu tranh trực tiếp với kẻ thù xâm lược, bảo đảm hậu cần góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước. Với sự đóng góp đó, Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2010); cán bộ, chiến sĩ và đồng bào người Hoa thành phố được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1998) Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh với 52 dân tộc anh em và 437.523 người là đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại 24 quận-huyện; đồng bào người Hoa, Chăm, Khmer và đồng bào các dân tộc khác của Thành phố Hồ Chí Minh là lực lượng và tiềm năng to lớn sẽ góp phần đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển chung của Thành phố. Quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và các chủ trương của Chính phủ về công tác dân tộc, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX và trên cơ sở kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh làm công tác dân tộc, Qua 04 năm kể từ ngày thành lập 16/3/2012 đến nay, Ban Dân tộc Thành phố đã tích cực cùng các Sở-ban-ngành Thành phố và chính quyền 24 quận-huyện kịp thời tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc trên địa bàn Thành phố; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về công tác dân tộc của Thành phố. Bốn năm qua, Công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị các cấp đã nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của công tác dân tộc. Các cấp chính quyền có quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo đến đời sống văn hóa cũng như việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về công tác dân tộc được Thành phố và quận - huyện quan tâm, Ban Dân 4 tộc đã kịp thời tham mưu Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố có chính sách riêng để chăm lo đồng bào dân tộc góp phần an sinh xã hội trong đồng bào dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đã thực hiện chính sách dân tộc cho 14 nhóm đối tượng đồng bào dân tộc và trao tổng cộng gần 11.000 suất quà với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng (có gần 500 triệu đồng từ vận động xã hội hóa). Đã thực hiện tốt chính sách miễn học phí cho học sinh dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn Thành phố đang học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (kể cả giáo dục thường xuyên) theo mức học phí công lập từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020; công nhận 659 người có uy tín trong cộng đồng dân cư; tham mưu tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố… Với những kết quả đạt được, Ban Dân tộc Thành phố đã được Ủy ban Dân tộc tặng cờ “Đơn vị có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác Dân tộc” liên tục 3 năm từ năm 2013 đến 2015. Ngày 12 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020”, Ngày 04 tháng 12 năm 2013, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chiến lược xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Các Chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và đặc biệt là thực hiện Chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua; Ban Dân tộc Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 nhằm: “Quán triệt quan điểm của Đảng về thực hiện chính sách dân tộc “ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển, đảm bảo ổn định, phát triển và hội nhập", Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đập tan mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố” 5 Trong thời gian tới, Hệ thống chính trị Thành phố chúng ta cũng cần tập trung thực hiện tốt chương trình, nhiệm vụ công tác dân tộc Thành phố gắn với việc triển khai, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ X. Tiếp tục tuyên truyền “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” trong đồng bào dân tộc; Chú trọng giáo dục lòng yêu nước trong đồng bào dân tộc, giữ gìn kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng của đơn vị Ban Hoa vận anh hùng, của Thành phố Anh hùng; Tập trung vận động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình giảm hộ nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc; kịp thời phối hợp và chủ động thực hiện đầy đủ các chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, không bỏ sót trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Tập trung tham mưu kiện toàn bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có đủ “Đức” và “Tài” làm công tác dân tộc ở các cấp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực công tác dân tộc; thực hiện tốt chính sách dân tộc trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần cổ vũ đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, đưa văn học - nghệ thuật đến gần nhân dân; góp phần động viên tinh thần đoàn kết của 52 dân tộc anh em ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo “Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nhân kỷ niệm 70 năm, ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc, hệ thống bộ máy, cán bộ làm công tác dân tộc Thành phố luôn nhận được và chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự giúp đỡ nhiệt tình của các sở, ban, ngành chức năng của Thành phố và sự hợp tác của chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác dân tộc trong thời gian qua. Mong rằng trong thời gian tới công tác Dân tộc Thành phố tiếp tục đón nhận sự quan tâm thường xuyên của Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Thành phố và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân để sự nghiệp kinh tế - xã hội nói chung và công tác dân tộc nói riêng của Thành phố ngày càng không ngừng phát triển./. BBT