Bảo đảm quyền của người bị bắt, giam giữ theo Công ước phòng chống tra tấn
Điều 11 Công ước chống tra tấn quy định: “Mỗi quốc gia thành viên phải rà soát một cách có hệ thống các quy tắc, hướng dẫn, phương pháp và thực tiễn thẩm vấn cũng như các cơ chế giam giữ và đối xử với những người bị bắt, giam giữ, cầm tù dưới mọi hình thức, ở bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình, nhằm mục đích ngăn chặn mọi vụ việc tra tấn”.
Hiểu về Công ước chống tra tấn: Bảo đảm quyền của người bị bắt, giam giữ
Theo đó, các quốc gia thành viên phải xem xét một cách có hệ thống các quy tắc, hướng dẫn và biện pháp thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai), cũng như việc bố trí giam giữ và đối xử với những người chịu bất kỳ hình thức bắt giữ, tạm giam, phạt tù trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán của mình nhằm ngăn chặn sự tra tấn cũng 17 như các hình thức đối xử tàn tệ, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm hoặc trừng phạt khác.
Thực hiện vấn đề này, tại Việt Nam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa được xem là có tội, chỉ khi nào có bản án của Tòa án và bản án có hiệu lực pháp luật thì khi đó họ mới được xem là có tội. Do đó, trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam họ phải được đảm bảo các quy định về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Điểm nhấn chủ đạo của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 chính là việc quyền của người đang bị tạm giữ, tạm giam đã được quy định đầy đủ và phù hợp hơn. Đây không chỉ là những quy định mới có tính chất nhân văn mà còn là một điểm sáng trong việc kế thừa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc đề cao quyền con người, quyền công dân trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.
Trong các văn bản pháp luật trước đây về quy chế tạm giữ, tạm giam chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. Do vậy, đã nảy sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành công tác tạm giữ, tạm giam và cũng chưa có cơ sở để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, tạm giam mà họ đáng được hưởng. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập đó, căn cứ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc bảo đảm hoặc hạn chế quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân trong các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã đưa nội dung này vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã quy định cụ thể về những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cụ thể tại Khoản 1, Điều 9, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định:
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
1, Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam, giữ;
2, Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
3, Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dung sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
4, Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
5, Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
6, Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
7, Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
8, Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
9, Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
10, Được hưởng các quyền các của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam”.