Bác Hồ dạy học ở Pắc Bó

I. Lớp học giữa rừng

Sau năm 1941, tôi từ nước ngoài trở về Tổ quốc và được sống những ngày gần Bác ở Pắc Bó. Một trong những công tác trước mắt của Đảng lúc bấy giờ là phải tiến hành mở các lớp huấn luyện về chương trình của Việt Minh, điều lệ của Hội Cứu quốc… cho các đồng chí cốt cán là Người địa phương cũng như một số quần chúng trung kiên khác. Những học viên này phần lớn là người dân tộc Nùng, chữ quốc ngữ không biết, nghe và nói tiếng phổ thông cũng chưa rành, trình độ nhận thức còn thấp. Do đó, một vấn đề quan trọng đặt ra trong các thời kỳ huấn luyện là phải dạy văn hóa cho người học và thông qua dạy văn hóa mà tuyên truyền đường lối cách mạng. Tôi và anh Lê Quảng Ba, anh Bảo An… được Bác chỉ định làm “thầy giáo”. Chúng tôi tổ chức thành một đội “giáo viên xung phong”. Mở lớp học như thế nào đây? Trước khi thoát ly đi theo cách mạng tôi đã từng làm nghề dạy học ở một vùng dân tộc ít người, “học trò” lại là những đồng chí lớn tuổi, chưa hề được cầm tới cây bút, quyển vở đối với tôi, đó quả là một việc hoàn toàn mới mẻ. Bác giục tôi vạch kế hoạch mở lớp huấn luyện và báo cáo cho Bác nghe. Tôi vô cùng lúng túng. Biết ý, Bác vẫy tay gọi tôi lại gần và ân cần hướng dẫn cho tôi một cách cụ thể:

- Chú lấy giấy, bút ra ghi đi: 1 – Huấn luyện cho ai? 2 – Huấn luyện những gì? 3 – Huấn luyện trong bao lâu? 4 – Huấn luyện ở chỗ nào? 5 – Lấy gì ăn để mà huấn luyện? Đấy, chú cứ suy nghĩ chung quanh năm điểm ấy mà làm!

Trời! Những điều chỉ dẫn của Bác mới giản dị, cụ thể nhưng thiết thực và sâu sắc làm sao! Mọi bí quyết đều từ đó mà ra! Tuy thế, trong khi nghiên cứu để thực hiện nghiêm chỉnh những lời dạy bảo của Bác, tôi vẫn cứ gặp nhiều lúng túng. Một hôm, đột nhiên Bác hỏi tôi:

- Chú định mở lớp học trong bao lâu?

- Dạ, thưa Bác, chừng độ một tháng ạ.

Bác nghiêm nghị bảo:

- Không được, nên rút ngắn chương trình và thời gian lại. Các chú phải tự tìm cách mà dạy sao cho thật gọn, đầy đủ và dễ hiểu. Anh em ở cơ sở lên, nếu ta cứ giữ họ ở lại mãi, học phải vắng mặt ở địa phương lâu quá, sẽ bị kẻ địch phát hiện, nghi ngờ và như vậy, họ sẽ rất khó hoạt động. Vả lại, lấy lương thực đâu để cung cấp cho một lớp học kéo dài như thế?

Lớp học được tổ chức rất đơn giản: một cái lán nhỏ lợp bằng lá rừng, có sàn kê bằng các khúc gỗ: có khi đặt trong hang đá, bên bờ suối. Lương thực như gạo, ngô, thậm chí cả muối, rau Bác gợi ý cho chúng tôi: không có giấy bút thì lấy đá suối mềm hoặc than củi, que cứng viết lên mặt đá nhẫn, viết xuống mặt đất; rét quá thì đốt lửa lên mà học cho ấm. Bác còn nhấn mạnh. “Muốn nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, trước hết phải nâng cao trình độ văn hóa cho họ!”. Trách nhiệm của chúng tôi thật nặng nề. Để giúp học viên dễ học và dễ nhớ mặt chữ quốc ngữ. Chúng tôi lấy các dấu và những chữ cái ghép lại thành sáu bài, thực ra là sáu câu hát khác nhau rồi dạy anh em học. Chúng tôi tìm trong tiếng địa phương những từ đồng âm với những chữ cái la tinh để làm ví dụ giảng cho học viên dễ hiểu. Học từ a rồi (nghĩa gần như tiếng kêu) anh em sẽ liên hệ ngay đến chữ a vừa mới học. Một vài làn điệu hát đối đáp ở miền núi cũng được lồng vào những nội dung mới. Nhiều bài hát sáng tác ra chỉ có lời mà không có nhạc: “… ta là học sinh cách mạng, cái gì hay, cái gì mới, cái gì lợi, cái gì nhanh, ta phải dùng, ta phải học…”. Học viên của chúng tôi rất ham học, nhất là các chị em. (Sau khóa ấy, nhiều người đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa ở khắp các cơ sở).

Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn rất quan tâm đến lớp học, Bác quy định cho chúng tôi: Mỗi tuần lễ ít nhất là một lần phải báo cáo với Bác về tình hình học tập, sức khỏe của anh em: ai làm chưa tốt, Bác uốn nắn bổ khuyết ngay. Bác luôn luôn căn dặn cán bộ là phải nêu cao cảnh giác, tránh đi lại đông người, lớp học cần phân tán ra. Bác đặc biệt lưu ý đến công việc giảng dạy của đội ngũ “giáo viên xung phong”. Có khi Bác kiểm tra kết quả công việc của người thầy bằng cách thăm dò tư tưởng học viên:

- Thế nào, các thầy giáo dạy các chú có hiểu không ? Có anh em lắc đầu, bảo khó hiểu. Thú thật là chúng tôi lo lắm. Gặp tôi, Bác nói ngay:

- Làm thầy thì phải hiểu trò. Các chú lên lớp mà cứ thao thao bất tuyệt chuyện trong nước và thế giới thì không ai hiểu gì đâu. Ở đây, trình độ học viên khác nhau, già có, trẻ có, ta phải cân nhắc đâu là nội dung chính cần phải dạy và dạy cái gì cho thật thiết thực, dễ hiểu. Ví dụ: chỉ cần học một số nước lớn thôi. Nước ấy diện tích và dân số bao nhiêu? Thủ đô là gì? Khí hậu và sông núi thế nào… Học tính cũng thế, cộng, trừ, nhân, chia phải cho chắc. Tránh lối tràn lan. Giảng xong phải hỏi xem họ có tiếp thu được không? Giảng một lần, học viên chưa hiểu thì phải giảng đi giảng lại nhiều lần. Họ không quen viết chữ hoa thì phải cầm tay hướng dẫn cho họ viết, vìa lần sẽ thành quen. Ai có tiến bộ, phải kịp thời động viên, nếu không, khi gặp khó khăn họ dễ nản chí.

Chúng tôi phấn đấu theo phương châm dạy học của Bác; tinh giản, dễ hiểu. Trình độ học viên quá thấp, làm cho họ nắm được điều mình muốn nói thật không phải là dễ dàng. Giảng giải về hệ thống tổ chức của Việt Minh, tôi phải lấy bìa cứng cắt ra thành nhiều miếng nhỏ hoặc lấy ngô hạt bỏ vào bị, đi đâu cũng kè kè bên mình (anh em cứ cười tôi mãi), dùng làm… đồ dùng dạy học!

Sống gần Bác, lúc nào chúng tôi cũng có cảm tưởng là Bác đã đón bắt được tất cả những ý nghĩ, băn khoăn của từng người. Vì vậy, cứ sau mỗi lần gặp gỡ, sửa chữa cho chúng tôi điều gì đó, Bác đều không quên căn dặn:

- Làm cách mạng thì nhất định phải có khó khăn, đừng nên chỉ nhìn thấy mặt thuận lợi. Cán bộ ta còn nghèo, chưa thể có tiền của giúp đỡ nhân dân nhưng nhân dân có những yêu cầu và nguyện vọng mà cán bộ ta có thể giúp được. Đó là việc dạy học chữ, dạy họ hiểu con đường cách mạng phải đi như thế nào. Các đồng chí phát triển phong trào đến đâu cần tổ chức lớp học ngay đến đó. Ta càng cố gắng đào tạo được nhiều cán bộ là người dân tộc bao nhiêu càng có lợi cho cách mạng bấy nhiêu, vì các đồng chí đó am hiểu địa phương hơn ta.

 

 

 

II. Bác vừa là thầy giáo

Trong những buổi lên lớp, chúng tôi mắc thói quen nói dài và lại nói nhiều, kết quả anh em tiếp thu được rất ít. Chúng tôi đang vắt óc tìm một phương pháp giảng dạy mới, hợp với trình độ học viên thì một hôm, Bác gọi chúng tôi lên, nghe Bác phân tích về tình hình thế giới. Để giúp người nghe dễ hình dung thấy tác hại của một cuộc chiến tranh ăn cướp của hai tên đế quốc, Bác lấy ví dụ hình ảnh hai con trâu đực dữ tợn hút nhau trên một đám ruộng sắp gặt: trâu có bị sứt đầu, gãy sừng hay không ta chưa cần biết, chỉ biết chắc chắn là ruộng lúa chín đó sẽ bị quần nát! Bác kết luận: bọn đế quốc gây ra chiến tranh thì bao nhiêu cái khổ, cái cực quần chúng phải chịu đựng hết!

Thật là đơn giản và sinh động. Chúng tôi nhìn nhau sừng sốt. Mỗi lần gặp Bác là một lần chúng tôi thấy được lớn lên nhiều. Tình cờ, một buổi sớm, Bác hỏi tôi về giá cả, thóc, gạo, thức ăn ở chợ dạo này lên xuống ra sao, đời sống nhân dân thế nào… Tôi lúng túng không trả lời được, Bác nói:

- Các chú không cần học lý luận cao xa đâu cả mà học ngay từ những cái hàng ngày mình vẫn thấy, vẫn gặp. Làm thầy giáo thì phải sống với dân, thường xuyên thăm hỏi dân; có thế, khi các chú nói chính sách Việt Minh họ mới nghe, họ mới chịu cho con em ra lớp, họ mới nhiệt tình ủng hộ ta duy trì và củng cố lớp học. Được dân tin, dân yêu, tức là ta đã có thêm một hàng rào sắt để tự bảo vệ.

Bấy giờ lại có một yêu cầu mới đặt ra là hãy mở lớp cho các cháu. Bác hỏi chúng tôi: trẻ em trong bản có bao nhiêu? Các cháu sống thế nào? Bác đề nghị nhất thiết phải mở ngay các lớp này. Bác nói đại ý: Mục đích của việc học là để hiểu biết, nhưng phải là mọi người cùng hiểu biết. Trẻ em là tương lai của nước nhà. Đạo làm cha làm mẹ ai cũng muốn cho con em được ăn học có nơi có chốn, họ sẽ yêu quí thầy giáo. Lớp học không cần tổ chức quy mô. Một cháu đi chăn trâu cũng có thể đi làm thành một lớp học riêng được, miễn là trò hoam học, thấy nhiệt tình.

Không lấy gì làm lạ, trong những năm tháng sống ở Pắc Bó, bên cạnh nhiều bài viết quan trọng khác, Bác còn sáng tác khá nhiều thơ ca để tổ chức và giáo dục thiếu nhi. Không khí học tập ngày một đông vui. Chừng vài ngày, chúng tôi lại thấy Bác hỏi thăm tình hình các lớp: Có cháu nào đau ốm không? Có cháu nào bỏ học không? Các cháu bị đau yếu, cán bộ có chịu tìm thầy lang chạy chữa cho các cháu không? Có khi Bác trực tiếp tìm thuốc chữa bệnh ghẻ, lở, chốc đầu cho từng cháu. Bà con dân bản phục lắm, gọi Bác là “Ông ké có thuốc tiên” Bác ví: “Trẻ em như bút trên cành” và vẫn nhắc cán bộ là phải thường xuyên chăm sóc các cháu chu đáo. Tôi còn nhớ, sau khi Bác bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam, vừa trở về nước, Bác đã hỏi ngay đến chuyện học hành của các cháu, đun nước nóng đổ vào đó và Bác gọi trẻ em ra sắp thành hàng, tự tay Bác tắm giặt cho từng cháu rất cẩn thận. Bà con dân bản, đặc biệt là gia đình ông bà cụ Dương Văn Đinh, nơi mà Bác thường lui tới, hết sức cảm kích. Hồi ấy, chị em ở địa phương có phong tục hễ cứ khách lạ đến nhà là họ tìm cách lánh mặt. Có đồng chí cán bộ người miền xuôi, xuống nhà đồng bào vận động cho con em ra lớp học nhưng đồng chí đó chưa kịp đặt chân lên đến nhà thì người mẹ đã lẫn đi đâu mất. Đồng chí này về báo cáo lại với Bác, Bác cười bảo:

- Thế là do chú không hiểu phong tục, tập quán của địa phương và chưa biết cách dân vận đó thôi!

Mỗi khi có dịp “xuống hàng”, bao giờ chúng tôi cũng thấy Bác kiếm lá cây hoặc một vật gì đó làm thành đồ chơi để khi tới thăm hỏi các gia đình, làm quà cho các cháu. Trông thấy Bác mặt bộ quần áo Nùng màu chàm, tay rộng, đầu để trần, giống hệt một cụ già người địa phương, lại rất yêu trẻ con, các cháu cứ quấn bên Bác và điều làm chúng tôi phải ngạc nhiên là không một chị em nào… chạy trốn cả!

Đối với chúng tôi, Bác vẫn khuyên là phải tự học, không được thỏa mãn với mình. Không học là dừng lại, mà dừng lại tức là lạc hậu vì xã hội ngày một tiến lên và quần chúng ngày một tiến bộ. Tự học bằng gì và tự học vào lúc nào? Bác gợi ý: học trong quần chúng, học lẫn nhau và học bằng sách, báo, Bác đã có kinh nghiệm, ở rừng mà hay ngủ trưa là dễ sinh ra ốm. Vì vậy, Bác khuyên cán bộ không nên ngủ trưa. Có thể tranh thủ những giờ đó tăng gia rau xanh, đọc sách báo nắm tình hình. Ở đây, xin kể thêm một chi tiết rất vui: có lần đồng chí Đàm Minh Viên đã “trốn” Bác đi ngủ trên một phiến đá bằng, tay cầm tờ báo, giả như đang chắm chú lắm, bất đồ Bác đi “lùng” và bắt được quả tang. Bác cầm cái roi nhở, khe khẽ lay đồng chí này dậy và Bác “phạt” phải ngồi nhặt hết những chiếc lá rừng khô rụng xuống một vùng suối nhỏ cho nước đỡ bẩn, rồi mới được nghỉ !

III. Bác vừa là học trò

Sáng nào cũng vậy, mới mờ đất, dòng suối Lê-nin còn phủ đầy sương trắng, Bác đã thức giấc và đi khắp lán giục mọi người cùng dậy tập thể dục. Bác chọn một quả núi cao nhất và chống gậy, tập leo núi. Bác mang theo một con dao, giả làm người đi nương, Bác dự đắp một cái nền đất nhỏ để tập. Bác làm bốn cái chày, hai cái nhỏ và hai cái to; sáng sáng Bác tập giơ cho kỳ được bốn cái chày đó. Trừ những lúc đánh máy ra, nếu ngồi đọc báo hoặc xem sách, hai tay Bác bao giờ cũng có hai hòn cuội, Bác vừa xem vừa tập nắm, luyện cho cứng cơ bàn tay.

Tài liệu để cho các thầy giáo giảng dạy các lớp huấn luyện chính trị và học văn hóa lúc ấy thật khan hiếm. Bác phải tự biên soạn chương trình và sáng tác nhiều thơ ca, thường là theo thể thơ năm chữ hoặc lục bát dùng làm bài học hàng ngày cho anh chị em. Bác viết hẳn một cuốn lịch sử nước ta, dài hàng trăm câu, mở đầu bằng một vài lời khuyên: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…” Phía cuối bài thơ là phần phụ lục. Những năm quan trọng, liệt kê chính xác lịch sử nước từ đời Hồng Bàng cho đến Nam kỳ khởi nghĩa (1941) và… một lời tiên đoán bất hủ: Việt Nam độc lập năm 1945! Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, tài liệu để nghiên cứu hết sức thiếu thốn (nếu có cũng không dám lưu trữ), Bác phải làm việc hoàn toàn bằng trí nhớ. Trong nhiều bài viết của Bác, tôi thấy Bác không hề làm lẫn một chi tiết lịch sử nào, thậm chí còn bổ sung đôi chỗ cần thiết. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Bác đã biên soạn tới hai mươi sáu bài địa lý tự nhiện các tỉnh miền Bắc và một bài có tính chất tổng kết là hai mươi bảy! Bác kể lại khá tỉ mỉ về sông ngòi, núi non, dân số, dân tộc của từng tỉnh… Qua những bài học quý giá này, chúng tôi càng thấy tự hào về quê hương, đất nước của mình, về tương lai của dân tộc mình. Đây là một đoạn Bác viết về tỉnh Cao Bằng của chúng tôi:

Cao Bằng Đông bắc giáp Tầu,

Hà Giang, Bắc Cạn ở vào phía Tây,

Nam giáp tỉnh Lạng gần đây

Bốn nghìn tám dặm tỉnh này gồm bao

Pia gia Pia- vắc thật cao

Hơn hai ngàn thước xôn xao một hàng

Sông to thì có Bằng Giang

Xê Lao, Trà Lĩnh chạy ngang hai dòng…

Chao ôi! Buổi đầu đi theo Bác, chúng tôi chỉ có một tấm lòng! Chúng tôi đã hiểu biết gì đâu. Bác đã mở cho chúng tôi thấy nhiều điều mới lạ về bản làng mình, về con người của mình. Giấy không có, Bác phải viết vào giấy bản. Viết được một bài, Bác lại đem đọc cho chúng tôi nghe và hỏi ý kiến chúng tôi. Chỉ khi nào chúng tôi gật đầu, ra ý hiểu, Bác mới cho in lên báo. Chúng tôi là những người được Bác trực tiếp dạy học chữ, Bác đề ra một nội dung chặt chẽ và Bác gương mẫu thực hiện đúng, Bác động viên tôi:

- Làm việc gì cũng phải có kế hoạch. Nấu cơm cũng vậy, đó là một việc dễ nhưng nếu không có kế hoạch, lúc nào gánh nước, lúc nào nhóm lửa, vo gạo… thì cơm ăn không ngon, tốn củi thì giờ vô ích. Cháu gắng tập làm kế hoạch cho quen đi. Giờ nào học bài, giờ nào khâu giầy, công tác…

Hàng ngày Bác quy định mỗi ngày người phải học thuộc một bài(một đoạn thơ) hoặc là về địa lý, hoặc là về lịch sử. Mỗi buổi sáng, trước giờ làm việc, mọi người ngồi vây quần thành vòng tròn, hồi hộp đợi tới giờ kiểm tra bài cũ. Bác để cho một người xung phong đọc trước, rồi cứ lần lượt người ngồi bên tay phải đồng chí đó tiếp tục đọc cho đến hết. Chúng tôi đọc, Bác làm thầy giáo và chấm điểm cho từng người. Ai đọc tốt trơn tru, chứng tỏ là có tinh thần chịu khó, Bác biểu dương ngay và chấm điểm cho đồng chí đó được đi máy bay; Ai đọc ở mức trung bình, không sai sót mấy, Bác gật đầu bảo “được” và cho đi ô tô; Ai đọc còn ư, a nhiều, phải đợi nhắc hoặc không thuộc bài, Bác tuyên bố người ấy phải đi xe bò. Và cố nhiên, sau đó, học viên này phải học lại bài cũ để hôm sau Bác kiểm tra lại. Cách cho điểm tượng trưng ấy của Bác có sức lôi cuốn chúng tôi rất mạnh, Bác là người biên soạn và sáng tác ra bài nhưng đến lượt Bác đọc, Bác cũng gấp sách lại rồi đọc thuộc lòng đoạn như anh em và Bác để cho chúng tôi bình chấm điểm cho Bác. Hôm nào cũng thế, tất cả chúng tôi, cái tập thể “thầy giáo” nho nhỏ này đều cảm thấy sung sướng và hãnh diện về Bác Hồ người “học trò” xuất sắc nhất của “lớp” mình!

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

return to top