Cách đây tròn 70 năm, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội đã diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 70 năm đồng hành cùng nhân dân, cùng dân tộc vượt qua biết bao khó khăn, thử thách trong đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước, Quốc hội Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn cả về cơ cấu tổ chức lẫn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng ngày một tốt hơn niềm tin yêu và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải "xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức". Ngày 3-9-1945, tức là chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ.
Thành công mang tính quyết định
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 6-1-1946 được ấn định là ngày Tổng tuyển cử. Trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Trung ương Đảng chủ trương: "Phải đưa những người đã ở trong Ủy ban nhân dân có năng lực hành chính ra ứng cử", và giới thiệu những thân hào có tài, có đức ra ứng cử, cùng đứng chung liên hiệp với các người ứng cử của Việt Minh. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp, nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước là ngày 23-12-1945. Tin Tổng tuyển cử diễn ra tưng bừng ở những nơi đó được đăng tải kịp thời trên báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước hướng đến ngày 6-1-1946.Tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Đúng ngày 6-1-1946, người dân cả nước hân hoan cầm lá phiếu trên tay tham gia sự kiện lần đầu tiên được chứng kiến, được thực hiện trong đời và trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam không thể ngăn cản được lòng dân và sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là tất yếu. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 89%, tỷ lệ phản ánh sự thành công ngoài mong đợi trong điều kiện bị chống phá ác liệt. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử mang tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội của nhân dân ta. Nhờ sự thành công ấy, Quốc hội trở thành cơ quan chính danh được nhân dân bầu ra. Từ đó, Quốc hội cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân. Cuộc Tổng tuyển cử, tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: Tự do bầu cử, ứng cử của công dân (được hiểu như là bầu cử phổ thông), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được; với quy trình bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử cũng đã được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất.
Ý nghĩa to lớn, giá trị xuyên suốt
Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nó mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay.
Thứ nhất, Tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Ý nghĩa trực tiếp của Tổng tuyển cử, sau này gọi là bầu cử Quốc hội theo nhiệm kỳ, là để lập ra cơ quan đại biểu, đại diện quyền lực Nhà nước của nhân dân, từ đó lập ra các cơ quan Nhà nước khác để hình thành bộ máy Nhà nước thống nhất, phân công, phân nhiệm thực thi quyền lực. Tổng tuyển cử, bầu cử Quốc hội còn là dịp để thực thi quyền giám sát bộ máy Nhà nước, thay thế những đại diện không còn được tín nhiệm. Tổng tuyển cử là dịp rất long trọng, phải được tổ chức đặc biệt, không giống như mọi cuộc bầu cử nào khác.
Thứ hai, tin tưởng, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công cuộc kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc Nhà nước, kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Cần kiên quyết chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân.
Thứ ba, bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo. Tổng tuyển cử đã thể hiện và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc bầu cử tiến bộ, tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tham gia bầu cử đông đủ, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Những nguyên tắc tiến bộ về bầu cử, ứng cử được áp dụng tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên như: Không phân biệt trai, gái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín… đã được khẳng định trong Hiến pháp, được thể chế hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội sau này. Đây là thành tựu của quá trình đấu tranh cách mạng không ngừng, quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là sức mạnh đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, bảo đảm quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất. Cơ chế vận động bầu cử hiện đã có, tuy nhiên so với vận động trong Tổng tuyển cử 1946 không được rộng rãi và phong phú bằng. Theo quy định hiện hành, người ứng cử có tên trong danh sách ứng cử đã công bố được thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu. Người ứng cử đại biểu địa phương nào thì thực hiện quyền vận động ở địa phương đó; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác; người ứng cử trả lời phỏng vấn trên báo chí, phát thanh truyền hình; các cơ quan, tổ chức, báo chí tạo điều kiện cho việc vận động bầu cử. Kinh phí vận động bầu cử lấy từ nguồn kinh phí phục vụ công tác bầu cử. Việc vận động bầu cử phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu hai mươi bốn giờ. Không được tuyên truyền vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu.
Ban Tuyên giáo Trung ương