LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

 

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2016 và có 08 chương, 143 điều so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 thì tăng 02 chương, 03 điều.

Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIII

 Luật Tổ chức chính quyền địa phương có một số điểm mới như sau:
 

Thứ nhất, về đơn vị hành chính (Điều 2):

Luật Tổ chức chính quyền địa phương xác định các đơn vị hành chính gồm có:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

- Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (Điều 04):

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.

Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức củachính quyền địa phương:

a) Đối với Hội đồng nhân dân:

- Về cơ cấu tổ chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm Ban đô thị (khoản 3 Điều 39) vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này (Điều 39).Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) hoạt động chuyên trách và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách;

Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng Ban cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách; Trưởng, Phó Ban của HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm.

b) Đối với Ủy ban nhân dân:

- Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND đều là ủy viên của UBND. Đây là quy định nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

- Về số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp được quy định theo phân loại đơn vị hành chính, theo đó đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 05 Phó Chủ tịch, loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch. Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có 01 Phó Chủ tịch.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung Điều 124 quy định về việc điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Người được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.

- Người đã quyết định điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thông báo cho Hội đồng nhân dân về việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới tại kỳ họp gần nhất.

Thứ tư, về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan xây dựng đề án mới được hoàn thiện đề án, trình HĐND các cấp thông qua chủ trương.

Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính tại Điều 129 như sau:

- Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

- Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính./.

ĐIỂM MỚI LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015. Luật này gồm 10 chương, với 98 điều. Theo đó, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 có những điểm mới đáng lưu ý như sau:

Điểm mới thứ nhất, trước đây theo quy định của pháp luật, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ và quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, luật mới đã quy định quyền này thuộc về Quốc hội. 

Điểm mới thứ hailà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ.

Điểm mới thứ bacũng là điểm đáng được lưu ý và là điểm khác biệt hoàn toàn, đó là những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

BBT

return to top