(WEBGOVAP) - Đất nước ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh 30 năm chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước (30.4.1975), tiếp theo là cuộc chiến đấu giải phóng biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng (7.1.1979), thì một lần nữa quân và dân cả nước ta lại phải tiếp tục can trường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mến yêu. Đó là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra cách nay 40 năm (17.2.1979 - 17.2.2019)
BỐI CẢNH LỊCH SỬ…
Sự thay đổi trong quan hệ tam giác chiến lược giữa Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ (gọi tắt là trục Trung - Xô - Mỹ) thập niên 70 của thế kỷ XX và Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam đã ảnh hưởng đến quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Trái ngược với tình trạng xấu đi trong mối quan hệ Trung - Xô, thì mối quan hệ Việt – Xô (1965 - 1975) phát triển càng trở nên mạnh mẽ. Điều này đã tác động đến toan tính chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (3.11.1978) đề cập đến mối quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh - quốc phòng, càng làm cho Trung Quốc đẩy mối quan hệ Việt - Trung xấu đi. Cùng với đó, sau khi quân tình nguyện Việt Nam giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pon Pot vào ngày 7.1.1979 càng khiến mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam bất đồng đỉnh điểm.
Thực tế, trước đó bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, phía Trung Quốc đã nhiều lần tạo cớ gây hấn, khiêu khích. Cụ thể, trong các năm 1975 đến 1978, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai nước ta tổng cộng 4.094 vụ. Trong đó, từ tháng 5.1978, Trung Quốc vô cớ dựng lên sự kiện “nạn kiều”, mà thực chất là dụ dỗ, đe dọa, lần lượt cưỡng ép 20 vạn Hoa kiều đang sống yên ổn ở Việt Nam phải về nước. Rồi họ trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố xua đuổi Hoa Kiều; họ rút chuyên gia và gây ra tình hình hết sức căng thẳng. Đi kèm những hành động đó, từ cuối năm 1978 Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động sát biên giới Việt Nam, xây dựng các căn cứ, hệ thống kho tàng, vận chuyển tập kết vật chất, sơ tán người dân về phía sau. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nghi binh, đề ra kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học”. Họ dựng lên thông tin Việt Nam lấn chiếm đất đai nên họ phải tự vệ (?!)… Cứ thế, từ tháng 8.1978, phía Trung Quốc đã điều động lực lượng quân sự ra sát biên giới với 9 Quân đoàn và 5 Sư đoàn độc lập (tổng cộng 32 Sư đoàn bộ binh), cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.558 pháo, 676 máy bay… Trên hướng biển, Trung Quốc cũng đã huy động hàng chục tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải hỗ trợ...
TRUNG QUỐC TIẾN HÀNH CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM
Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, đêm 16 rạng sáng ngày 17.2.1979 (tức là đêm thứ Bảy rạng ngày Chủ nhật), lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn quân đội vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tấn công.
Việc mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc (theo giới quân sự và sử học) là nhằm giúp Trung Quốc hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu:
- Một là cứu chế độ diệt chủng Pon Pol;
- Hai là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để giúp họ xây dựng bốn hiện đại hóa (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học - kỹ thuật);
- Ba là phá hoại nền quốc phòng và làm nền kinh tế của ta suy yếu;
- Bốn là uy hiếp Lào từ phía Bắc để suy yếu liên minh chiến đấu Việt - Lào;
- Năm là thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới.
Mưu đồ của chính quyền Trung Quốc là vậy. Với nước ta, những năm 78 - 79, quân và dân ta đang “căng mình” chống lại quân Pon Pol xâm lược ở biên giới Tây Nam, song trước tình hình biên giới phía Bắc lâm nguy cũng như đoán được mưu đồ của đối phương, tháng 7.1978, Hội nghị Trung ương lần thứ tư (Khóa IV) của Đảng chỉ rõ: Tập trung lực lượng để giải quyết nhanh nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam; đồng thời động viện, tăng cường lực lượng và công tác phòng thủ đất nước ở phía Bắc. Tiếp đó, ngày 6.1.1979, Ban chấp hành Trung ương ra Chỉ thị về tăng cường bảo vệ các tỉnh phía Bắc, nêu rõ: “Phải theo dõi nắm chắc tình hình địch, kịp thời phát hiện âm mưu và hành động tiến công phá hoại của chúng. Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn tuyến biên giới. Bảo đảm đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các Quân khu 1, Quân khu 2 và Nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc gấp rút củng cố thế trận phòng, thủ, chấn chỉnh các tổ chức biên chế, bổ sung quân số, trang bị khí tài… sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.
CHIẾN THẮNG BẤT KHUẤT CỦA QUÂN VÀ DÂN TA
Với tư tưởng “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư…”, với phương châm “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, một lần nữa, bắt đầu từ ngày 17.2.1979 đến giữa đầu tháng 3.1979, quân và dân cả nước ta ta, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc lại đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Cụ thể, trên mặt trận Lạng Sơn (Quân khu 1), mở đầu đợt tấn công đối phương sử dụng các Quân đoàn 43, 55 và 54 (dự bị), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới chia làm nhiều mũi đánh vào bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng. Trên mặt trận Cao Bằng (Quân khu 1), sáng 17.2.1979, Trung Quốc huy động 2 quân đoàn (41, 42) và Quân đoàn 50 (thiếu) làm lực lượng dự bị, hai Trung đoàn địa phương là Quảng Tây, 4 Trung đoàn độc lập, 225 xe tăng, bọc thép, hơn 300 pháo cơ giới cùng nhiều đơn vị sơn cước chia làm hai cánh: Một do Quân đoàn 41 đảm nhiệm tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng; Một cánh do Quân đoàn 42 đảm nhiệm tiến công vào Phục Hòa, Đông Khê. Mục tiêu là đánh vào thị xã Cao Bằng và tiêu diệt Sư đoàn 346 của ta. Trên mặt trận Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái - Quân khu 2), từ 4 giờ sáng ngày 17.2.1979, Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá một số mục tiêu của ta. Sau đó, huy động 2 quân đoàn (13, 14) và một sư đoàn thuộc Quân đoàn 50 cùng một số Trung đoàn địa phương gồm 10 xe tăng, bọc thép và 450 khẩu pháo chia làm hai cánh: Một đánh vào thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường; hai đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu. Trên mặt trận Lai Châu (Quân khu 2), phía Trung Quốc huy động Quân đoàn 11 đánh vào Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nâm Xe và mục tiêu chính là thị trấn Phong Thổ… Trên mặt trận Hà Tuyên (nay là Hà Giang) phía Trung Quốc huy động 2 sư đoàn và một số trung đoàn địa phương chia làm ba mũi tấn công vào khu vực Thanh Thủy, Đồng Văn và Mèo Vạc. Trên mặt trận Quảng Ninh, Trung Quốc tấn công vào Than Phán (Móng Cái) và Cao Ba Lanh (huyện Bình Lưu)…
Trước sức tấn công tàn bạo của quân thù, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chống trả quyết liệt, gây ra những tổn thất lớn cho quân xâm lược. Để đảm bảo cuộc chiến đấu thắng lợi, ít gây tổn thất nhất, ngày 4.3.1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ Quốc. Đồng thời, ngày 5.3.1979, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Lệnh tổng động viên. Đáp lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến.
Quân đã mạnh, lực lượng đã đông, phát huy hào khí quật cường của dân tộc anh hùng, của đất nước anh hùng không chịu để một tấc đất rơi vào tay kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, quân và dân ta đã kiên cường, sáng tạo, bẻ gãy và giáng từng đòn đau xuống đầu kẻ thù xâm lược. Kết quả là ngày 5.3.1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.
Với truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn hòa bình, hữu nghị giữa Nhân dân hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta chỉ thị cho lực lượng vũ trang và Nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng, phương tiện chiến tranh về nước. Nhưng, với dã tâm bành trướng, từ ngày 6.3.1979, phía Trung Quốc vẫn vừa rút quân, vừa đánh phá gây nhiều thiệt hại về người và của với đồng bào ta ở một số vùng biên giới. Đến ngày 18.3.1979, về cơ bản, Trung Quốc đã rút quân ra khỏi nước ta nhưng những ngày sau đó, Trung Quốc vẫn cố tình chiếm đóng trái phép một số cao điểm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên... có nơi sâu vào lãnh thổ từ 200 đến 500 mét; thường xuyên gây hấn khiến tình hình luôn căng thẳng kéo dài đến tận năm 1989.
Rồi theo đà đó, từ tháng 4.1984 - 5.1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Vùng biên cương Vị Xuyên - Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất và dài ngày nhất trong cuộc chiến đấu chống xâm lấn biên giới phía Bắc. Thương vong của hai phía trong các cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở mặt trận Vị Xuyên vô cùng lớn. Theo thống kê của Ban Liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến năm 1989, có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam đã hy sinh, cùng hàng nghìn người dân bị thương vong để gìn giữ dải đất biên cương… Người dân Vị Xuyên và cả những người lính đã từng chiến đấu tại đây, kể cả những người may mắn sống sót trở về cũng như vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất Vị Xuyên đều có quyền tự hào bởi họ là những người “đi trước, về sau” để viết lên khúc tráng ca Vị Xuyên bất tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thống kê, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ 17.2.1979 - 18.3.1979 (không kể cuộc chiến đấu 10 năm ở chiến trường Vị Xuyên), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 Trung đoàn, 18 Tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo...
Với đất nước thân yêu của chúng ta, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh, trong đó mới chỉ có hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại hơn 3.000 hài cốt vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, vùi dưới gốc cây, bên các sườn núi cheo leo của dải đất biên cương cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm ra được, mãi mãi bất tử trong trang sử bảo vệ Tổ quốc... Chưa kể nhiều đồng bào ta đã bị quân xâm lược tàn sát đẫm máu, nhiều công trình dân sinh, trường học, xí nghiệp, nhà máy, cánh đồng, cầu đường bị phá hủy...
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã chiến thắng, non sông được vẹn toàn. Chiến thắng ấy một lần nữa thể hiện tinh thần quật cường của một dân tộc anh hùng, luôn muốn chung sống hữu nghị, hòa bình với tất cả các dân tộc, quốc gia khác, song một khi Tổ quốc bị lâm nguy thì cả nước đồng lòng vùng lên để bảo vệ giang sơn gấm vóc. Cuộc chiến đấu ấy tiếp tục chứng minh một sự thật lịch sử: Dân tộc Việt Nam luôn bất khuất trước mọi thế lực xâm lược.
Chúng ta đúc kết nên những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối vơi Quân đội và sự nghiệp quốc phòng, quân sự, trọng tâm là củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh Nhân dân vững mạnh. Nhạy bén trong phân tích, đánh giá tình hình, nhận rõ đối tác, đối tượng của cách mạng, luôn nên cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, đặc biệt là giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông. Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chú trọng xây dựng quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
BA MINH
(tổng hợp theo các nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương,
TTXVN. VOV, QPVN,QĐND)