APEC 2017 SỰ KIỆN NÂNG TẦM ĐỐI NGOẠI ĐA PHƯƠNG VIỆT NAM

APEC 2017  SỰ KIỆN NÂNG TẦM

ĐỐI  NGOẠI  ĐA PHƯƠNG  VIỆT  NAM 

 

Năm 2017, Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là lần thứ hai nước ta đảm nhận cương vị này kể từ năm 2006. Việc đăng cai tổ chức các hoạt động của APEC cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều trọng trách lớn. Tuy nhiên, đây là một quyết định có tính chiến lược về mặt đối ngoại. Việt Nam đã cân nhắc, đánh giá kỹ xu thế hợp tác chung của đối ngoại đa phương trên thế giới và ở khu vực, cũng như nhu cầu triển khai chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam. Sự kiện APEC 2017 là một cú hích quan trọng, với nhiều kỳ vọng mới.   

Công tác chuẩn bị cho APEC 2017 của Việt Nam đã và đang được triển khai như thế nào?

Công tác chuẩn bị cho APEC 2017 được triển khai rất sớm, có trách nhiệm, ngay sau khi Hội nghị cấp cao APEC 2013 chính thức thông qua việc Việt Nam sẽ đăng cai. Cuối năm 2013 - đầu 2014, chúng ta đã thành lập Nhóm công tác liên ngành. Từ giữa năm 2015, Chính phủ đã thành lập ủy ban Quốc gia APEC 2017, trực tiếp chỉ đạo cho Năm APEC 2017. Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai công tác chuẩn bị rất tích cực, chu đáo trên tất cả các lĩnh vực, từ vật chất, hậu cần, lễ tân đến nội dung, tuyên truyền, đào tạo cán bộ... Việt Nam cũng đã chủ động tham vấn, tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ rộng rãi của các đối tác quốc tế và các nền kinh tế thành viên APEC. Dự kiến nước ta phải chuẩn bị tổ chức cho khoảng 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên và Tuần lễ cấp cao. Đây là cơ hội để bạn bè quốc tế tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam, cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Hiện cơ sở vật chất ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang khẩn trương được xây dựng. Điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, cơ quan trong việc chủ động đưa ra sáng kiến, trong công tác tổ chức bộ máy để góp phần tổ chức hiệu quả sự kiện này, đáp ứng yêu cầu mới của APEC.

Các hoạt động APEC 2017 dự kiến sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. Vậy chúng ta cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội này?

Đối với Việt Nam, APEC là cơ chế hàng đầu khu vực, nằm tại địa bàn chiến lược. Trên thực tế, diễn đàn này đã đem lại những lợi ích sát sườn cho nước ta. Cụ thể, 20 nền kinh tế thành viên APEC chiếm tới 79% giá trị thương mại của Việt Nam, và chiếm tới 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, 80% nguồn thu cho du lịch, và có đến 80% sinh viên Việt Nam học tập tại các nền kinh tế APEC.

Trong năm 2017, sẽ có hàng nghìn lượt đại biểu, doanh nghiệp, báo chí đến Việt Nam, mà đỉnh cao là 10.000 người tham dự Tuần lễ Cấp cao. Để tận dụng được các cơ hội từ APEC 2017, hiện nay, với sự chỉ đạo của ủy ban Quốc gia APEC 2017, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tính chủ động, đặc biệt là các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường của các đối tác APEC, chủ động liên hệ với các Đại sứ quán và Cơ quan đại diện của ta ở các địa bàn để biết thêm thông tin; đồng thời chuẩn bị chu đáo chất lượng và mẫu mã sản phẩm để tranh thủ quảng bá về kinh tế địa phương và sự nhanh nhạy của doanh nghiệp.

Về phía các địa phương, cần phối hợp với ủy ban Quốc gia để chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức và cách ứng xử của người dân nhằm tổ chức thành công các sự kiện tại địa phương mình. Ngoài ra, địa phương cũng cần huy động báo chí, truyền thông vào cuộc chuẩn bị chiến dịch quảng bá, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau.

Những ưu tiên chính của Việt Nam trong hợp tác APEC hiện nay là gì?

Do APEC là một diễn đàn kinh tế, thương mại, chúng ta ưu tiên thúc đẩy các vấn đề sát sườn với phát triển và góp phần hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến 2020. Đa số các ưu tiên đó đều là những vấn đề quan trọng hàng đầu trong hợp tác APEC với các chiến lược hợp tác đến 2025. Đó là: tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế, tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, kết nối; an ninh lương thực; ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai... Đáng chú ý, phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu để đạt được các kỳ vọng nêu trên. Ngoài ra, hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa là đóng góp đối với APEC, vừa là ưu tiên của Chính phủ “kiến tạo”.

Những kết quả đạt được sau sự kiện đăng cai tổ chức APEC 2006 là rất lớn. Việt Nam sẽ tiếp tục gửi gắm kỳ vọng gì vào APEC 2017 này?

Với APEC 2017, chúng ta mong muốn góp sức cùng các thành viên tìm ra động lực mới cho tăng trưởng và liên kết cho khu vực và cho từng nền kinh tế thành viên, vì hiện nay APEC đang đứng trước thách thức về duy trì đà tăng trưởng. Lần đầu tiên trong những thập kỷ gần đây, tốc độ tăng trưởng của APEC thấp hơn toàn cầu, nhiều nền kinh tế giảm tốc, trong đó có cả nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Việt Nam cũng mong muốn đóng góp vào việc phối hợp chính sách, góp phần củng cố vai trò của APEC trong cục diện mới khi nhiều cơ chế và tầng nấc hợp tác mới đang hình thành. Chúng ta cũng kỳ vọng đóng góp để duy trì vai trò hàng đầu khu vực về liên kết kinh tế của APEC.

Một lợi ích thiết thân đối với Việt Nam, qua khoảng 200 sự kiện lớn nhỏ trải dài khắp đất nước trong năm APEC 2017, chúng ta kỳ vọng có thể tạo ra được những lợi ích cụ thể như thu hút du lịch, tìm đối tác đầu tư chiến lược, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh... Đồng thời, qua các cơ hội ký kết hợp đồng, dự án mới với các nền kinh tế, các doanh nghiệp APEC, chúng ta càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với tất cả các thành viên, đặc biệt là các đối tác quan trọng, chiến lược và toàn diện.

Còn có một kỳ vọng về một cơ hội hình thành và xây dựng văn hóa hội nhập của đất nước. Qua đó, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều thể hiện được tinh thần “hội nhập chủ động và trách nhiệm, liên kết sâu rộng”, không chỉ với đối tác nước ngoài mà cả liên kết giữa các vùng miền. Đồng thời, qua văn hóa ứng xử, mỗi người Việt Nam đều thể hiện được truyền thống “hiếu khách, nhã nhặn, thuận hòa và tình nghĩa”. Làm được điều đó, tức là chúng ta đã tạo thêm được sức mạnh mềm cho dân tộc.

Với APEC 2017, Việt Nam đã đặt nhiều kỳ vọng, nhiều mục tiêu lớn, chúng ta cũng đã sớm nhận thức được các khó khăn và nhiều vấn đề lớn đặt ra, nên đã chủ động lập kế hoạch với lộ trình cụ thể, rõ ràng và đang triển khai mạnh mẽ. Với thế và lực sau 30 năm đổi mới và kinh nghiệm của đăng cai thành công năm APEC 2006, Việt Nam mong muốn đóng góp thiết thực hơn vào việc thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển của khu vực.

 APEC 2017 có thể được coi là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm của đất nước, một số đánh giá về vai trò của đối ngoại đa phương hiện nay?

Năm APEC 2017 là một hoạt động trọng tâm của đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020 và cũng là đóng góp quan trọng của nước ta đối với diễn đàn hợp tác kinh tế xuyên châu lục lớn nhất thế giới này. Việc triển khai nhiều hoạt động đối ngoại đa phương sẽ góp phần nâng cao vị thế đất nước và tăng thêm nguồn lực cho phát triển. Cùng với APEC 2017, chúng ta sẽ thực hiện nhiều cam kết quốc tế và hoàn tất các trọng trách, đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng ta cũng sẽ phải hoàn tất các cam kết đa phương, nhất là cam kết gia nhập WTO phải hoàn tất vào năm 2018. Tất cả những điều đó hội tụ với APEC 2017 sẽ tạo ra một sức mạnh mềm mới, một tâm thế mới cho ngoại giao đa phương và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.

Hiện nay, xu thế hợp tác quốc tế nói chung và đa phương nói riêng là các vấn đề mang tính liên ngành, các cơ chế liên quan đến nhiều vấn đề. Trong suốt 30 năm đổi mới, chúng ta chủ yếu là tham gia các cơ chế đã có, và trong 5 năm qua chúng ta tham gia đàm phán để định hình. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng sấp tới mà bản chất của nó là thực thi và hoàn tất các cam kết quốc tế, bắt buộc phải có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân.

Trong thập niên qua, thế giới chứng kiến những bước ngoặt căn bản trong hợp tác quốc tế nói chung và đa phương nói riêng. Bước vào thế kỷ XXI, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế 2008-2009, nhu cầu gia tăng hợp tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu đã thúc đẩy hợp tác đa phương ngày càng sâu rộng và phát triển nhanh. Đối ngoại đa phương trở thành đặc trưng của quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, với những tác động sâu rộng, góp phần làm gia tăng xu thế hợp tác, đối thoại và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Xu thế đó thể hiện rõ qua những chuyển biến mang tính bước ngoặt sau:

Thứ nhất, bên cạnh các định chế toàn cầu là nền tảng của đa phương như Liên hợp quốc và WTO, hàng loạt cơ chế mới với nhiều cấp độ khác nhau đã hình thành như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... ở cấp độ nhỏ hơn là các cơ chế liên kết tiểu vùng như Hợp tác Mê Công - Nhật Bản (2008), Hợp tác các nước hạ nguồn sông Mê Công - Hoa Kỳ (2009), Cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương với Trung Quốc đầu năm nay. Điều đó cho thấy cục diện quan hệ quốc tế và đối ngoại đa phương hiện nay không chỉ mang sắc thái đa trung tâm, mà còn đa tầng nấc. Các cơ chế hợp tác trên cũng thể hiện nhiều hình thái liên kết mới, linh hoạt và đa dạng, mang tính tham vấn và đối thoại chính sách nhiều hơn.

Thứ hai, tập hợp lực lượng trong các cơ chế đa phương hiện nay rất linh hoạt, đan xen các tính toán kinh tế với chiến lược, chính trị, không rạch ròi như trước đây.

Thứ ba, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, đặc biệt là trong 5-7 năm qua, hợp tác đa phương ngày càng gắn với phát triển bền vững và nỗ lực ứng phó với thách thức toàn cầu, mà điển hình là Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu (COP 21).

Thứ tư, về tương quan lực lượng, các nước lớn vẫn đi đầu dẫn dắt, nhưng vai trò của các nước vừa và nhỏ cũng gia tăng rất mạnh. Dự báo trong vài thập niên tới, tại các diễn đàn đa phương, vai trò của châu Á sẽ ngày một gia tăng theo tiềm lực về kinh tế, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Tựu trung lại, đặc trưng của đối ngoại đa phương thế kỷ XXI là đa tầng nấc, linh hoạt, tốc độ, phát triển bền vững và tầm toàn cầu.

Đối ngoại đa phương của Việt Nam cần có những chuyển biến cơ bản nào?

Lần đầu tiên sau 30 năm Đổi mới, tại Đại hội XII, Đảng ta đã xác định đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược của đối ngoại, với phương châm chỉ đạo “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình”. Chủ trương này là bước ngoặt căn bản trong chính sách và triển khai các hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng. Chưa bao giờ ngoại giao đa phương được đẩy mạnh như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ Việt Nam tham gia thực sự vào các cơ chế, diễn đàn đa phương với tâm thế chủ động và đóng góp tích cực như lúc này. Đây là điều hoàn toàn khác với giai đoạn trước, khi nước ta chỉ đơn thuần “tham gia”.

Có thể nói, chúng ta triển khai các hoạt động đa phương với thế và lực chưa từng có. Ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, 224 thị trường, 25 đối tác chiến lược và toàn diện, trong đó cả 5 Uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có 59 đối tác FTA... Điều đó thể hiện nhu cầu các nước cần ta và tin cậy ta. Ta cũng đã trở thành một nước có thu nhập trung bình từ năm 2010. Với thế và lực mới như vậy, Việt Nam cần phải chủ động, khởi xướng và cùng tham gia định hình các cơ chế hợp tác.

Trọng tâm đối ngoại đa phương của nước ta trong 5-10 năm tới sẽ rất khác trước. Trong đó, tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN và Liên hợp quốc sẽ là hai ưu tiên hàng đầu, là nền tảng của chính sách đa phương của Việt Nam, liên quan mật thiết tới hòa bình, an ninh, phát triển và kinh tế nước ta. Chúng ta cũng sẽ tích cực tham gia, đóng góp vào các cơ chế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như APEC, RCEP, trong đó các cơ chế tiểu vùng Mê Công là rất quan trọng. Tại các tầng nấc đa phương khác, ta cũng phải tham gia, đóng góp. Chúng ta sẽ phải triển khai, hoàn tất nhiều cam kết quốc tế quan trọng, cụ thể là các cam kết gia nhập WTO có thời hạn 31/12/2018; các FTA trong khuôn khổ ASEAN và với các đối tác, các thỏa thuận SDGs, COP 21... Thêm vào đó, việc tổ chức APEC 2017, đảm nhiệm các trọng trách Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, ứng cử viên vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020- 2021... chúng ta đều phải làm tốt, thực chất và tạo nên dấu ấn Việt Nam.

Cuối cùng là yêu cầu thay đổi mạnh về tư duy, từ tham gia sang chủ động đóng góp tích cực và khởi xướng. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của đối ngoại đa phương trong tình hình mới, yếu tố con người là quyết định. Tư duy về đa phương của chúng ta chưa theo kịp với tư duy thế giới. Các cán bộ của ta phải nhận thức được và coi trọng vấn đề phát triển bên cạnh nhiệm vụ duy trì môi trường hòa bình, an ninh; phải đề cao phát triển bền vững trong hợp tác quốc tế, chú trọng các vấn đề kết nối, tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển..; có cách tiếp cận liên ngành, đa ngành và đa phương. Đây chính là những bước chuyển lớn cần phải có cả trong tư duy, chính sách và triển khai đa phương./.                     Nguồn Tạp chí Đối ngoại 

return to top