Cách đây 77 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Quân và dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trước tình hình khẩn cấp, ngày 23 tháng 9 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng tại Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị phân tích âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương phát động nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Cũng trong ngày hôm đó, qua làn sóng điện, Trung ương Đảng chỉ thị cho Xứ ủy Nam Bộ về chủ trương kháng chiến chống Pháp. Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi và cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần chiến đấu và thể hiện lòng tin của mình đối với đồng bào Nam Bộ: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ".
Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh: Tư liệu
Khí thế ngày 23/9 năm ấy rất hào hùng, bừng bừng tinh thần quật khởi. Anh em công nhân phá vỡ nhà đèn, trạm điện nước... Phần lớn người dân đi ra khỏi thành phố. Quân dân ta dùng thế “trong đánh ngoài vây”, cứ theo dòng kinh tẻ, dòng kinh đôi đột kích vào cơ sở của Pháp gây cho chúng những tổn thất nhất định. Đưa những lớp thanh niên vào kháng chiến, đó là động lực của lòng yêu nước và niềm tin với Đảng, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ chấn động cả nước. Một “vành đai đỏ” được thiết lập và thắt chặt xung quanh thành phố, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế của địch. Đặc biệt là cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt ở Cột cờ Thủ Ngữ. Tại đây một tiểu đội tự vệ chiến đấu của ta đã ngoan cường chống trả một đại đội quân địch. Những trận đánh vang dội của quân và dân Sài Gòn ở Thị Nghè, Cầu Kiệu, Bàn Cờ, ở Cột cờ Thủ Ngữ... như tiếp thêm sức mạnh để quân dân Nam bộ anh dũng tiến lên đánh giặc với khí thế ngày càng dâng cao. Giặc bị giam chân ngay tại Sài Gòn và không thể thực hiện được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” dù cho chúng có binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại.
Quân và dân Nam bộ đồng lòng chống giặc. Ảnh: Tư liệu
Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ được sự quan tâm và giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng và nhân dân cả nước. Đảng đặc biệt chăm lo việc động viên cả nước hướng về miền Nam ruột thịt đang chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ trở thành một cuộc vận động chính trị rộng lớn và hết sức sôi nổi. Các Ủy Ban ủng hộ kháng chiến được thành lập khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã có những chi đội (tương đương trung đoàn) Nam tiến lên đường vào Nam giết giặc.
77 năm trôi qua, tinh thần ngày 23/9 vẫn âm vang mãi. Đó là âm vang của Nam Bộ thành đồng giàu lòng yêu nước, thề quyết chống giặc ngoại xâm. Đó là tiếng chân của những đoàn quân Nam tiến nghe theo tiếng kêu sơn hà nguy biến sẵn sàng xả thân vì nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đồng sức đồng lòng "xây giang san hạnh phúc muôn đời. Nền độc lập khắp nước Nam" như lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.