Nóng trên mạng xã hội: Hết thời cha mẹ đặt tên con quá dài?

Cư dân mạng đang xôn xao từ ngày 16.7.2020 cha mẹ không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng, thực hư ra sao?


Thông tin xôn xao trên mạng xã hội thực ra là một trong những điểm mới của Thông tư 04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch, có hiệu lực từ 16.7.2020. Theo đó, trong nội dung khai sinh thì việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo cha hoặc mẹ.

 

Tên quá dài, giấy tờ không thể ghi đầy đủ

Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết việc đặt tên cho trẻ từ trước tới nay chưa có quy định phải đặt bao nhiêu ký tự hay bao nhiêu từ, hướng dẫn cụ thể thế nào là tên không phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam cũng chưa có. Do đó, có những trường hợp người dân đến đặt tên cho con gồm 10 chữ, cán bộ hộ tịch nói không phù hợp nhưng nếu người dân hỏi căn cứ nào là không phù hợp thì không biết trả lời ra sao, mà chỉ có thể khuyên họ nên chọn một tên ngắn cho phù hợp hơn.

“Năm ngoái ở phường có trường hợp tới đặt tên con dài 7 chữ gồm: Công Tằng Tôn Nữ Tạ Thị X. Khi được hỏi vì sao đặt tên con dài như vậy, họ nói do mong muốn. Sau khi được khuyên đặt tên con ngắn vì dài quá nhiều loại giấy tờ sẽ không thể hiện hết được thì họ rút lại tên còn 5 chữ. Ngoài ra, có những trường hợp đặt tên con nghe đã thấy “kỳ lạ” như Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi (ở Quảng Nam), P.T.Lâu Ra... đều đúng quy định nhưng sẽ được cán bộ tư pháp khuyên chọn tên khác phù hợp hơn”, ông An thông tin.

Cuối năm 2019, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ Đồng Nai) cũng phải đổi tên thành Nguyễn Kim Phương do tên quá dài nên không thể mở thẻ ngân hàng. Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho hay TP từng có trường hợp một trẻ được đặt tên tới 8 chữ gồm cả họ tên của cha và mẹ thành Lê Văn Nhật Lương Nguyễn Ngọc Như P. Sở đã khuyên cha mẹ thay đổi tên khác thuận tiện cho các giấy tờ của trẻ về sau này.

Cần có quy định cụ thể

Theo bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú (TP.HCM), trước khi Thông tư 04/2020 có hiệu lực, quận đã đăng trên bản tin, nhắn tin trong Zalo của từng phường, phát tờ rơi đến nhà của người dân để tuyên truyền. Bà Đang nói ở quận, cha mẹ thường đặt tên cho con từ 3 - 4 chữ, trường hợp nào nhiều lắm là 5 chữ, chưa có trường hợp đặt tên con dài trên 6 chữ. Tuy nhiên, vì có cả người Việt, người Hoa, người Chăm, người Khmer sống ở quận nên khi gặp trường hợp đặt tên con viết ra quá dài, quá nhiều ký tự thì cán bộ hộ tịch sẽ nhắc nhở, vận động người dân thay đổi. “Khó khăn nhất khi đặt tên con quá dài là các vấn đề sau này, khi đi làm giấy tờ có thể gặp phải rắc rối vì ô để viết tên thường không quá dài mà có giới hạn”, bà Đang nhận định.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết thời gian tới, khi thông tư có hiệu lực thi hành thì trong quá trình thực hiện Sở sẽ tập hợp, báo cáo Bộ Tư pháp nhằm có quy định bao nhiêu ký tự là dài, bao nhiêu ký tự là bình thường. Ông Vũ thông tin, nhiều trường hợp đặt tên con quá dài khi được khuyên chấp nhận thay đổi tên khác nhưng cũng có những người kiên quyết không đổi tên.

“Đây là vấn đề riêng tư, cá nhân, không vi phạm luật gì nên cán bộ hộ tịch cũng chỉ dừng ở mức khuyên chứ không thể bắt buộc họ được vì chưa có quy định cụ thể là đặt tên phải giới hạn bao nhiêu ký tự, bao nhiêu chữ”, ông Vũ nói.

(Nguồn: Báo Thanh Niên)

return to top