Kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” (17/9/1967 - 17/9/2017)


Kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” (17/9/1967 - 17/9/2017)  
 
1.  Bối cảnh lịch sử
Cách đây tròn 50 năm (17/9/1967 - 17/9/2017), Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai được tổ chức giữa lúc quân và dân miền Nam đang thừa thắng xốc tới lập những chiến công lớn ở Quảng Trị - Thừa Thiên Đà Nẵng, Biên Hòa, Phước Vinh, Bình Long, Ngãi Giao, Củ Chi, Cần Thơ... đẩy đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục lao nhanh, đến thất bại hoàn toàn; giữa lúc quân và dân miền Bắc ruột thịt đang nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Hồ Chủ tịch, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, hết lòng hết sức ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, đã liên tiếp giáng cho giặc Mỹ những đòn thất bại nặng nề, bắn rơi hơn 2.200 máy bay giặc Mỹ; giữa lúc các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đông đảo Nhân dân tiến bộ trên thế giới và phong trào chống Mỹ, chống chiến tranh xâm lược ngay trong nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án và phản đối hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân ta và đang kề vai sát cánh cùng Nhân dân ta chống kẻ thù chung. Đại hội đánh dấu một bước phát triển cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một bước trưởng thành của quân và dân ta, một giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến: giai đoạn đánh thắng chiến tranh cục bộ của giặc Mỹ, mở đầu một giai đoạn mới thắng Mỹ giòn dã hơn nữa, to lớn hơn nữa, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. - Tinh thần không cam chịu làm nô lệ, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do. - Trung thành vô hạn với cách mạng, luôn lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi. - Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công với dũng khí rất cao. - Có tình thương yêu Nhân dân, thương yêu đồng đội sâu sắc, đối với đồng đội thì thủy chung mặn nồng, đối với Nhân dân thì tình sâu nghĩa nặng. - Biết đem cá nhân gắn liền với cách mạng, giải quyết đúng đắn các mặt: Sống chết, sướng khổ, hạnh phúc chung, hạnh phúc riêng, sống khiêm tốn, giản dị. - Quán triệt đường lối, phương châm, chính sách, chấp hành mệnh lệnh một cách nghiêm chỉnh. - Quán triệt tinh thần, tự lực cánh sinh, lấy tinh thần cách mạng làm yếu tố cơ bản, phát huy mọi khả năng, mưu trí và sáng tạo, tìm mọi cách đánh địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các đồng chí trong Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, khen ngợi quân và dân miền Nam đã giành được thắng lợi rực rỡ trong đông xuân 1966 - 1967. Đó là lời khen nhưng cũng là lời nhắc nhở hãy cố gắng hơn nữa, lập nhiều chiến công chói lọi hơn nữa. Đại hội lần này là “Đại hội quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ”.                  

Với sự tham dự của đại biểu các tỉnh, thành, Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9, khu Sài Gòn - Gia Định... Đại hội đã tặng cờ, danh hiệu cho nhiều địa phương, đơn vị, tuyên dương 417 anh hùng và chiến sĩ thi đua (47 Anh hùng Lực lượng Vũ trang); cùng với Long An và Quảng Nam, Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Củ Chi Đất thép thành đồng”, đó là niềm tự hào không chỉ của riêng quân và dân Củ Chi mà còn là niềm tự hào của cả địa bàn Sài Gòn - Gia Định trung kiên, bất khuất.

2. Tự hào truyền thống “Củ Chi Đất thép thành đồng”

Giáp với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và huyện Hóc Môn của thành phố Hồ Chí Minh, Củ Chi nằm ở hữu ngạn, gần hướng thượng nguồn sông Sài Gòn. Dòng sông hiền hòa này như một chứng nhân lịch sử. Dòng sông ngày đêm xuôi ngược như kể tiếp những câu chuyện về mảnh đất Củ Chi anh hùng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền nam, hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Củ Chi trở thành cái "gai" trong mắt chúng, bởi chúng coi đây là căn cứ quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tập trung đánh phá quyết liệt, đã trút xuống nơi đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân. Vì thế, Củ Chi trở thành nơi khô cằn, nơi mà “muốn thấy đất phải gạt bom mìn”. Chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, gài do thám, gián điệp, bọn chỉ điểm trong các thôn, ấp, xây dựng đồn bốt, đàn áp, khủng bố Nhân dân, thi hành khác nghiệt luật 10/59, giết hại cán bộ của Đảng và người dân vô tội.

Đảng bộ và Nhân dân Củ Chi, một mặt tổ chức liên tiếp các cuộc đấu tranh chính trị đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ra đồng sản xuất; mặt khác, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ. Đa số thanh niên Củ Chi, cả trai lẫn gái, đều tham gia lực lượng vũ trang. Tòng quân giết giặc trở thành phong trào rộng khắp, là lý tưởng, là phương châm hành động của thanh niên địa phương. Nhiều xã có 100% số thanh niên nam, nữ đăng ký gia nhập lực lượng cứu nước.

Phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu diễn ra rầm rộ. Tất cả mọi người trẻ già trai gái đều nô nức tham gia. Lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ du kích, có cả những người trung niên tham gia. Họ vốn là nhũng nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy. Tay cày, tay súng, vừa sản xuất tự cấp tự túc, vừa bám vườn, bám đất chiến đấu. Du kích Củ Chi chính là Nhân dân, Nhân dân chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.

Cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược trên đất này là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện... Củ Chi trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Bọn Mỹ - ngụy muốn hủy diệt mầm sống trên đất, hủy diệt con người và ý chí chiến đấu của người dân Củ Chi. Chúng đưa đến chiến trường Củ Chi đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, sử dụng các loại thiết bị chiến tranh, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn để đối phó với du kích Củ Chi, những người chỉ có vũ khí thô sơ tự tạo. Ý chí đối đầu với bom đạn, lòng dân, lòng đất đối chọi với xe tăng, máy bay, thiết giáp và cuối cùng chiến tranh Nhân dân thắng chiến tranh hiện đại của đế quốc và tay sai. Từ trong gian khó, người dân Củ Chi đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy để nơi đây được mệnh danh là “Củ Chi Đất thép thành đồng”.

10 kết luận về khả năng đánh Mỹ của chiến tranh Nhân dân địa phương được rút ra từ Đại hội “Dũng sĩ diệt Mỹ”:

1.  Ai cũng đánh được Mỹ.

2.  Vũ khí gì cũng đánh được Mỹ.

3.  Nhiều đánh được, ít cũng đánh được, một người, một tổ đều đánh được.

4.  Ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch là đánh được.

5.  Ngày cũng đánh được, đêm cũng đánh được.

6.  Địch phản công là cơ hội để diệt chúng.

7.  Đánh ở phía trước, đánh trong hậu cứ địch, Đánh đều khắp, làm cho địch bị động, bối rối càng dễ đánh hơn.

8.  Đánh địch trong ấp chiến lược và cả ngoài xã, ấp chiến đấu.

9.  Có khả năng, thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ như bộ binh, xe tăng, máy bay, biệt kích.

10. Đánh bằng vũ trang, bằng chính trị và cả bằng binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.

3. Phát huy truyền thống

3.1. Tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ

Chiến tranh đi qua, Củ Chi có hàng ngàn dũng sĩ diệt Mỹ, 33 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 2.064 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10.488 liệt sĩ, 8.650 gia đình liệt sĩ, 2.198 thương binh và bệnh binh, 4.335 người có công với cách mạng.

Để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống, khu tưởng niệm Đền Bến Dược được xây dựng. Việc lập ra ngôi đền tưởng niệm này như một biểu hiện cụ thể về tấm lòng thủy chung “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau đối với những người đi trước, những chiến sĩ đã một lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Đền Bến Dược được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong điện, văn bia khắc tên của hơn 50.000 người con của Tổ quốc. Đền Bến Dược không chỉ là nơi thờ cúng, tỏ lòng biết ơn, mà còn là một công trình của trái tim.

3.2. Phát huy truyền thống

Ngày nay, Củ Chi có đường Xuyên Á đi ngang, nối với Cam-pu-chia qua cửa khẩu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Là nơi giáp giới giữa miền Đông và miền Tây, giữa đồng bằng và miền núi nên cấu tạo địa chất thuận lợi cho việc làm nông nghiệp, trồng các loại cây làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp như cao su, khoai mì, mía... Vùng đất này ngày càng phát triển, có rất nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.

Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới từ năm 1994 đến năm 2004.

Là huyện ngoại thành đầu tiên của thành phổ Hồ Chí Minh được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2015:

-  100% người dân tiếp cận sử dụng nước sạch.

-  Thu nhập bình quân mỗi người dân đạt 40 triệu đồng/người/năm.

-  Bình quân 1 ha canh tác đạt 465 triệu đồng.

-  Đàn bò sữa trên 70 nghìn con.

-  Xây tặng 4.459 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn.

-  Xây dựng và trao 6.600 căn nhà tình thương cho người dân khó khăn về nhà ở.

Những thành tựu trên chưa thể nói lên nhiều điều nhưng cho thấy Củ Chi ngày nay đã tiến một bước dài với nhiều chuyển biến diệu kỳ, từng năm rồi từng tháng đã thực sự thay da đổi thịt, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Để tiếp nối xứng đáng với danh hiệu “Củ Chi Đất thép thành đồng”, Đảng bộ và Nhân dân huyện Củ Chi quyết tâm xây dựng thành công huyện Củ Chi nông thôn mới văn minh - giàu đẹp - nghĩa tình.

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY

return to top