Để làm người công bộc, tận tụy của nhân dân. - Phần 1

“Lãnh đạo nhân dân vì sức mạnh của họ không thể thiếu được đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Dân chúng vốn ít học, ngây thơ, khó liều mạng, dễ bị lừa và bị mua chuộc. Vậy người cách mạng mẫu mực phải giáo dục họ, sửa chữa cho họ và chiếm được sự tin cậy của dân chúng để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc.

 

… Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.

… Không cục bộ, bởi vì cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân. Vì vậy, nếu một người cách mạng tìm cách cục bộ thì tham vọng của anh ta sẽ khiến anh ta hành động vì mình chứ không vì mọi người.

… Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình.

… Kiên trì và nhẫn nại. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”.

“Người cách mạng mẫu mực”, 18-9-1926.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr.450.

“Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh.

Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt vào các Ủy ban đó.

Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.

“Chính phủ là công bộc của dân”, 19-9-1945.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.22-23.

“Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

“Sao cho được lòng dân”, 12-10-1945.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.47-48.

“Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, 

 chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

… Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm.

Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

“Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ,

 tỉnh, huyện và làng”, 17-10-1945.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.56-57.

“Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng cũng có việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân.

Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”.

“Bài nói chuyện với cán bộ

tỉnh Thanh Hóa”, 20-2-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.55.

“Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước.

Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

“Đời sống mới”, 20-3-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.104.

“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

… Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.

Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng”.

“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.249.

“Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.

Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc.

Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”.

“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.253.

““Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”.

Câu đó nghĩa là gì?

Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.

Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng.

Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng””.

“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr.258.

“Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm.

Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công.

Có người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.

Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên, có gì khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.

Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân.

Trái lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ.

Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.

Làm cách đó, thì dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ nên làm rõ, nên việc đó không được lâu dài, bền vững.

Vì vậy, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng.

Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng.

Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại”.

“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr. 294-295.

“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình.

Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh.

Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và  họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết.

Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.

Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình.

Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng.

Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm.

Cố nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu.

Tuy vậy, khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỉ mỉ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở nên ý kiến đầy đủ, thiết thực.

Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả”.

Có nhiều cách hỏi ý kiến dân chúng. Nói chuyện với từng người. Nói chuyện với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với tầng lớp khác, với mọi tầng lớp.

Nếu ta chịu khó, chịu suy nghĩ, bất kỳ nói chuyện với ai cũng có ích cho tư tưởng của ta. Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng.

Thế gọi là: Tập trung ý kiến, ra sức thi hành. So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.

Nghĩa là: nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.

Từ trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù chính sách hay trăm phần trăm, cũng hóa ra vô dụng.

Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:

1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.

2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

3. Chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.

4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

5. “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”.

Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.

“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.295-298.

return to top